Thị trường dầu mỏ trước cú sốc nguồn cung tệ nhất trong vòng 50 năm

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã ở vào tình thế căng thẳng khi xung đột ở Ukraine còn chưa nổ ra. Thêm diễn biến mới liên quan đến điểm nóng này có thể đẩy thị trường đối mặt với cú sốc nguồn cung tương tự như khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi khối A-rập áp lệnh cấm xuất khẩu dầu.

Chú thích ảnh
Thị trường dầu mỏ biến động trước những diễn biến liên quan đến khủng hoảng Ukaine. Ảnh: Reuters

Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô trên thị trường đã tăng từ mức 65 USD/thùng lên 130 USD/thùng. Cú sốc về giá này không phải là hiện tượng mới mẻ, bởi giá dầu tăng-giảm, lên-xuống là diễn biến thường thấy, có tính chất gần như là quy luật kể từ khi ngành khai thác dầu mỏ ra đời.

Có nhiều nhân tố gây ra cú sốc về giá đối với mặt hàng năng lượng này. Đó có thể là những dịch chuyển lớn liên quan đến cung-cầu thị trường ở một thời điểm nào đó, bởi đây là hàng hóa toàn cầu. Cú sốc cũng có thể đến từ chiến tranh, bạo loạn hoặc giai đoạn tăng trưởng kinh tế ở các nước nhập khẩu dầu lớn, hoặc là những vấn đề bất ổn nảy sinh ở những nước sản xuất dầu.

Nhìn chung, khủng hoảng giá dầu với mức tăng phi mã thường xuất hiện khi có sự kết hợp cùng lúc của nhiều nhân tố nêu trên cùng lúc. Và đây chính là những gì đang diễn ra hiện nay: Nhu cầu tăng, sản lượng không theo kịp, nguồn dữ trữ dầu mỏ hao hụt mạnh và xung đột ở Ukraine. Tất cả hội tụ và tạo ra “cơn bão hoàn hảo” đẩy dầu thô tăng mạnh.

Nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây, vượt cả kỳ vọng của thị trường và giới phân tích, trong bối cảnh các nước mở cửa trở lại, thoát khỏi giai đoạn đóng cửa, phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo cập nhật tháng 2 vừa qua đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Cầu tăng, nhưng nguồn cung không tăng tương ứng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn bảo lưu quan điểm về mức tăng sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/ngày, được triển khai từ tháng 8/2021 và dự kiến kéo dài hết năm 2022. Nhưng trong nhiều tháng qua, ngay cả mức tăng 400.000 thùng/ngày cũng không được OPEC+ đáp ứng. Ở nhiều thời điểm chỉ đạt khoảng 50% cam kết, do các nước thành viên hoặc là thiếu năng lực, hoặc là thiếu đầu tư để nâng sản lượng khai thác theo quota được cấp.

Triển vọng nguồn cung từ Mỹ, cụ thể là dầu đá phiến, cũng không thực sự tích cực. Số giàn khoan dầu đá phiến hoạt động tại Mỹ tăng mạnh gần đây, nhưng vẫn còn kém xa mức đỉnh thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Việc giá dầu đổ gãy trong năm 2020, có thời điểm giao dịch ở mức âm, khiến nhiều công ty dầu đá phiến bị ám ảnh, siết chặt quản lý tài chính, thận trọng trong hoạt động đầu tư, khai thác.

Nguồn lực dự trữ dầu thô trên thế giới cũng bị bào mòn, làm mất đi “vùng đệm” trước cú sốc từ bên ngoài. Theo báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần đầu tháng 3/2021, dữ trữ dầu thô thương mại của Mỹ là 411,60 triệu thùng, thấp hơn 13% so với mức bình quân trong năm năm tính cùng thời hợn. Dự trữ dầu diesel chưng cất giảm 18%.

Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2 là diễn biến mang tính xúc tác bước ngoặt, đẩy dầu thô lên ngưỡng cao mới. Chỉ sau chưa đầy một tháng, dầu đã bước vào vùng giá trên 100 USD/thùng. Xung đột ở Ukraine càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng nguồn cung, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã có ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu mỏ của Nga, dù mới ở góc độ gián tiếp.

Theo hãng tư vấn Energy Aspects, khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga hiện rơi vào tình cảnh khó tìm kiếm khách hàng. 30% còn lại được chuyển tới châu Âu và vùng Viễn Đông Nga. Shell Hôm 4/3, Shell đặt mua 725.000 thùng dầu Urals của Nga qua tập đoàn Trafigura, với mức chiết khấu kỉ lục - giá giảm 28,50 USD/thùng so với dầu Brent. Tuy nhiên, hãng dầu lớn nhất châu Âu ngày 8/3 đã lên tiếng xin lỗi về hợp đồng này, tuyên bố sẽ bắt đầu rút hoạt động mua bán các sản phẩm của Nga do xung đột tại Ukraine.

Tập đoàn tài chính JPMorgan cũng cho biết lượng dầu xuất khẩu của Nga trong đầu tháng 3 qua các cảng ở Biển Baltic giảm 1 triệu thùng/ngày, qua Biển Đen giảm 1 triệu thùng/ngày, qua cảng Kozmino ở Viễn Đông giảm 500.000 thùng/ngày. Giới giao dịch dè chừng trước dầu thô của Nga, vì lo ngại rủi ro về pháp lý, bảo lãnh tín dụng, logistic.

Tình trạng căng thẳng trên thị trường cùng với việc Nga phải vật lộn tìm kiếm khách hàng nhập khẩu dầu thô đang manh nha mối nguy về một khủng hoảng hoảng nguồn cung dầu mỏ tồi tệ nhất từ năm 1973 – khi các nước A-rập áp cấm vận dầu mỏ, và năm 1979, khi cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra. “Sẽ có đứt gãy lớn thực sự liên quan đến khâu logistic. Đây là khủng hoảng về nguồn cung, khủng hoảng về logistic, khủng hoảng thanh toán của ngành dầu mỏ và nó có thể tương đương với cấp độ như hai cuộc khủng hoảng trong thập kỉ 1970”, Daniel Yergin, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, chia sẻ.

Đây cũng là nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Phát biểu tại một hội nghị ở Paris, ông Le Maire cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có sức nặng và ảnh hưởng ngang với cú sốc dầu mỏ năm 1973. Ông nhắc lại tình trạng tăng giá dầu mỏ năm 1973 dẫn tới cú sốc lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, làm mất đà tăng trưởng kinh tế. Theo ông, cú sốc về lạm phát kèm suy thoái do hệ lụy giá dầu tăng là điều thế giới cần tránh trong năm 2022.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice, The Conversation)
Venezuela nêu điều kiện bán dầu cho Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine
Venezuela nêu điều kiện bán dầu cho Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine

Caracas sẵn sàng khôi phục thương mại trong lĩnh vực dầu khí với Mỹ với điều kiện Washington công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN