Giá dầu trên thị trường thế giới hiện ở mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, do mất cân đối về cung-cầu và xung đột tại Ukraine. Nếu tiếp tục đà tăng, điều được giới phân tích coi là xu thế chính, giá dầu có thể sẽ là nhân tố cản trở tăng trưởng kinh tế, làm giảm tiêu dùng, thậm chí là tiềm ẩn mất ổn định chính trị, bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm và những gì từng diễn ra ở Kazakhstan, Iran và Zimbabwe trong một năm trở lại đây là minh chứng rõ nét.
Tại Mỹ, giá bán lẻ xăng trung bình đã lên mức 4,3 USD/gallon (1 gallon tương đương khoảng 3,8 lít) và có thể tăng lên mức 5 USD/gallon vào cuối tháng 5, thời điểm bắt đầu bước vào mùa hè, với nhu cầu đi lại bằng ô tô lên cao nhất trong năm. Với kịch bản dầu thô lên 200 USD/thùng, giá xăng bán lẻ tại Mỹ thậm chí có thể ở ngưỡng 6-7 USD/gallon. Tại Anh, giá bán lẻ xăng không chì là 1,58 bảng/lít, còn dầu diesel là 1,65 bảng/lít –đều là những mức giá cao kỉ lục.
Mỹ mở kho dự trữ, châu Âu tăng trợ cấp, giảm thuế, phí
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực kiểm soát giá nhiên liệu tăng cao, với bước đi trọng tâm là tung hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường, theo cách thức có hợp tác, điều phối với nhiều nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ vẫn không can thiệp trực tiếp vào giá bán lẻ xăng dưới các hình thức như một chương trình giảm thuế hay trợ cấp.
Tại châu Âu, chính phủ Ireland ngày 9/3 thông báo sẽ tiến hành giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel, thời hạn áp dụng đến hết tháng 8/2022, nhằm giảm gánh nặng chi tiêu của cá nhận, hộ gia đình trước việc hóa đơn xăng dầu tăng vọt. Bồ Đào Nha cũng áp dụng cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu từ ngày 11/3 nhằm xử lý mức tăng chưa có tiền lệ về giá nhiên liệu trên thị trường.
Tại Pháp, nước chuẩn bị bước vào kì bầu cử trong tháng 4, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ sẽ sớm ban hành giải pháp giúp các hộ gia đình giải tỏa áp lực từ giá nhiên liệu neo ở mức cao, nhấn mạnh việc nhà chức trách bỏ ra khoản kinh phí 20 tỉ euro/năm để trung hòa mức giá xăng dầu và điện.
Chính phủ Séc bãi bỏ quy định bắt buộc về pha chế các chất sinh học vào xăng dầu và bỏ đánh thuế đường để hạn chế tác động tiêu cực từ việc giá dầu leo thang.
Tại Anh, phát ngôn viên đơn vị cung cấp các dịch vụ lái xe (RAC) Simon Williams, kêu gọi chính phủ Anh cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tổn thất về tài chính. Theo ông, mức cắt giảm 15% sẽ giúp người lái xe tiết kiệm 6,5% tiền xăng dựa trên mức trung bình hiện tại.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, duy trì cơ chế giá trần, giá sàn
Goldman Sachs dẫn nguồn tin tại Bắc Kinh và Singapore cho biết Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 9/3 đã yêu cầu các công ty dầu mỏ được cấp hạn mức (quota) xuất khẩu ngừng việc xuất khẩu xăng dầu trong tháng 4 để bảo đảm nguồn cung trong nước, sau khi giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng mạnh từ hiệu ứng cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Yêu cầu này không mang tính ràng buộc tuyệt đối, nhưng thông thường đầu mối được giao quota sẽ tuân thủ hướng dẫn của NDRC. Các công ty dầu mỏ có thể kiến nghị tới Ủy ban về nối lại xuất khẩu khi cân bằng cung-cầu trên thị trường có sự thay đổi. Mặt hàng xăng nhiên liệu máy bay và dầu nhiên liệu (bunker fuel) vẫn được xuất khẩu bình thường.
Nguồn tin cho biết việc Trung Quốc chọn thời điểm ngừng xuất khẩu trong tháng 4 là có sự tính toán, bởi tình hình chiến sự tại Ukraine có thể có thể thay đổi mau lẹ và nhà điều hành vẫn còn đủ thời gian để tiếp tục điều chỉnh chính sách.
Về điều hành giá xăng dầu, Trung Quốc hiện áp dụng cơ chế điều hành dựa trên chu kỳ 10 ngày căn cứ biến động của giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh giá bán lẻ với dầu thô trên thị trường được giao dịch trong khoảng giá từ 40-130 USD/thùng. Nếu dầu dưới 40 USD/thùng, giá bán lẻ sẽ không giảm tiếp tương ứng, nhằm bảo vệ các công ty khai thác dầu mỏ trong nước. Ngược lại, nếu dầu trên 130 USD/thùng, giá bán lẻ cũng sẽ không tăng để bảo vệ người tiêu dùng.