Hong Kong lên kế hoạch thiết lập 'giấy thông hành vaccine' với Trung Quốc đại lục

Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đang xem xét thiết lập giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với Trung Quốc đại lục, bắt đầu từ tỉnh Quảng Đông.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong cuộc trả lời chất vấn của Hội đồng Lập pháp ngày 8/4, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết chính quyền đang nghiên cứu các biện pháp khuyến khích tiêm chủng, lên kế hoạch mở rộng chương trình “Dễ dàng trở lại Hong Kong”. Theo chương trình này, những người Hong Kong từ Trung Quốc đại lục trở về sẽ được miễn cách ly bắt buộc trong 14 ngày nếu có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Nền kinh tế Hong Kong đang chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh COVID-19 và cần sớm mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến quan ngại về độ an toàn trong bối cảnh một số khu vực ở Đại lục tiếp tục ghi nhận một số ca mắc COVID-19 mới.

Về vấn đề này, Chính quyền Hong Kong cho rằng nguy cơ dịch bệnh ở Đại lục hiện ở mức thấp, một số khu vực nhiều ngày liên tiếp không có ca mới. Trong trường hợp dịch bùng phát, Hong Kong có thể cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao.

Nếu chương trình “Dễ dàng trở lại Hong Kong” được mở rộng thì sẽ tăng thêm cơ hội cho những người Hong Kong đang làm việc tại Phúc Kiến và Thượng Hải quay trở lại Hong Kong.

Ngoài Trung Quốc Đại lục, Chính quyền Hong Kong cũng xem xét thảo luận với các khu vực hoặc quốc gia có nguy cơ thấp như Đài Loan, Macau (Trung Quốc), Australia, New Zealand hướng tới miễn cách ly bắt buộc cho những người đã được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.

Đến nay, sau hơn một tháng triển khai chương trình tiêm chủng, mới chỉ có gần 530.000 người dân Hong Kong đã được tiêm một mũi vaccine, chiếm khoảng 7,5% dân số vùng lãnh thổ này.

* Trong khi đó, các liên đoàn thể thao Anh cũng đã ủng hộ việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" với hy vọng các sân vận động lại chật kín khán giả trở lại.

Trong thư gửi các nghị sĩ Anh, một loạt liên đoàn thể thao Anh, trong đó có Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng bầu dục Anh, nêu rõ các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay là chưa đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính do COVID-19 gây ra đối với thể thao. Theo họ, lợi ích của chứng nhận COVID-19 là đưa nhiều người hâm mộ sớm trở lại sân vận động với môn thể thao mà họ ưa thích một cách an toàn.

Theo kế hoạch, các cuộc xét nghiệm sẽ được khởi động trong những tuần tới như một phần trong lộ trình của chính phủ nhằm chấm dứt phong tỏa, với một trận bán kết và chung kết FA Cup trong số các sự kiện thí điểm cho chương trình "Chứng nhận tình trạng COVID-19".

Từ ngày 17/5, các sân vận động ở vùng England sẽ được phép mở cửa, với sức chứa được giới hạn ở mức 25%, tối đa 10.000 khán giả.

Tính đến nay, Anh đã tiêm khoảng 32 triệu liều vaccine - chiếm khoảng 60% những người trưởng thành và được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả với việc nhanh chóng triển khai tiêm vaccine, các địa điểm tổ chức các môn thể thao lớn có thể chật cứng khán giả chật cứng khán giả khó có thể xảy ra cho đến sớm nhất là cuối mùa hè này.

Mạc Luyện - Ngọc Hà (TTXVN)
WHO khẳng định chưa có dữ liệu về việc thay đổi các liều vaccine ngừa COVID-19
WHO khẳng định chưa có dữ liệu về việc thay đổi các liều vaccine ngừa COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tái khẳng định "chưa có dữ liệu đầy đủ" về việc thay đổi vaccine ngừa bệnh COVID-19 giữa các liều tiêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN