Kịch bản ngắn hạn tệ nhất: Số ca mắc mới, ca tử vong và nhập viện tăng vọt
Theo tờ Vox, đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất và chính là kịch bản mà Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky sợ sẽ xảy ra.
Theo kịch bản này, trong vài tuần tới, các bang tiếp tục nới lỏng các biện pháp đã áp dụng để ngăn chặn COVID-19 lây lan, mở cửa các doanh nghiệp, không yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.
Khi đó, người dân sẽ tận hưởng cảm giác gần kết thúc đại dịch. Họ ra ngoài, tham gia các hoạt động tiếp xúc gần với gia đình, bạn bè, người lạ cho dù chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Chiến dịch tiêm chủng không thể theo kịp mọi hoạt động xã hội mới và số người mắc COVID-19 nhiều hơn số người được tiêm.
Virus SARS-CoV-2 sẽ lan rộng, lây giữa những người dễ bị tổn thương khi họ tụ tập với nhau. Trong khi đó, các biến thể virus dễ lây lan hơn sẽ khiến ngày càng nhiều người mắc bệnh trong cùng thời gian, đẩy làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Biến thể Anh giờ là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc mới ở Mỹ.
Nói như vậy không có nghĩa là Mỹ đang đi trên con đường dẫn tới kịch bản tệ nhất, ít nhất là chưa. Đợt gia tăng ca mắc COVID-19 gần đây có thể sẽ tăng lên một mức nhất định nào đó. Mỹ vẫn có nhiều ca mắc hàng ngày nhưng có thể sẽ không tệ hơn.
Điều khiến các chuyên gia lo lắng là tất cả có thể thay đổi nhanh chóng do dịch bệnh lây lan theo cấp số nhân, khiến số ca lây nhiễm tăng với tỷ lệ mạnh.
Trong làn sóng thứ ba hồi mùa thu, cần một tháng là số ca mắc mới hàng ngày tăng gấp đôi từ 40.000 lên 80.000. Tuy nhiên, chỉ cần hai tuần là số ca mắc mới hàng ngày lại tăng gấp đôi lần nữa, từ 80.000 lên 160.000.
Đây là điều đang xảy ra ở bang Michigan, nơi bị dịch bệnh hoành hành mạnh trong vài tuần qua. Đợt gia tăng số ca mắc ở bang này chưa tệ như đợt trước nhưng ngày càng nhiều người tử vong và nhập viện. Điều xảy ra ở Michigan có thể xảy ra ở bất kỳ bang nào.
Con đường ngắn hạn trung bình: Số ca mắc tăng; số ca nhập viện và tử vong không tăng
Trong đại dịch, có một số người cho rằng số ca mắc bệnh tăng nhưng số ca nhập viện và tử vong không tăng. Do đó, họ nói không cần lo lắng.
Những gì diễn ra trong phần lớn năm ngoái cho thấy: quá trình gia tăng số ca tử vong và nhập viện có xu hướng diễn ra chậm hơn quá trình gia tăng số ca mắc. Lý do là vì từ lúc mắc bệnh, nhập viện đến tử vong cần một quãng thời gian.
Tuy nhiên, kịch bản này giờ đây có thể xảy ra nhờ có vaccine. Tới nay, nhóm dân số dễ bị tổn thương đã được tiêm vaccine nhiều hơn. Trên 76% người từ 65 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và trên 57% đã được tiêm đầy đủ. Trong năm 2020, nhóm này chiếm 80% ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ.
Khi phần lớn người dễ bị tổn thương đã tiêm vaccine, số ca mắc COVID-19 tăng có thể không làm tăng số ca nhập viện và tử vong. Người trẻ có thể nhiễm virus nhưng không phải vào viện và không tử vong nhiều như người già. Khi đó, virus đã thua cuộc vaccine.
Vì thế, Mỹ có thể vẫn chứng kiến làn sóng thứ tư về số ca mắc, nhưng theo ông Amesh Adalji tại Trung tâm An ninh Y tế (Đại học John Hopkins), đây sẽ là làn sóng khác trước vì vaccine đã làm giảm độc lực của virus.
Dù vậy, dự báo kịch bản này vẫn còn là quá sớm. Theo Saskia Popescu, nhà dịch tễ học Đại học George Mason, để kịch bản này xảy ra, vẫn cần hành động: đảm bảo tiêm vaccine nhanh chóng, đặc biệt là cho nhóm người dễ bị tổn thương.
Kịch bản ngắn hạn khả quan nhất: Không có làn sóng thứ tư
Theo kịch bản này, các ca mắc, ca nhập viện và tử vong đều ổn định hoặc tiếp tục giảm. Điều kiện là giới chức Mỹ không mở lại cửa các bang quá nhanh; người Mỹ tiếp tục tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh như giãn cách, đeo khẩu trang; tiêm vaccine tiếp tục tiến triển nhanh hơn hoặc ít nhất là với tốc độ như hiện nay.
Ngoài ra, thời tiết ấm lên ở phần lớn nước Mỹ trong những tuần tới cũng sẽ khiến nhiều người ra ngoài trời hơn và virus không lây lan dễ dang trong không gian mở.
Những gì đã xảy ra cho thấy đây không phải là lý do chắc chắn để lạc quan. Chính sách chống dịch bệnh của Mỹ và ý thức phòng dịch của người dân Mỹ không tốt bằng các nước phát triển khác.
Dù vậy, Mỹ có thể làm được điều này. Nếu người dân kiên nhẫn thêm một chút, có thể là vài tuần, Mỹ có thể tiêm cho phần lớn người trưởng thành ít nhất một liều vaccine COVID-19. Nếu đạt được điều đó và tránh được kịch bản đầu tiên, hàng chục nghìn người có thể ăn mừng.
Ngoài ba kịch bản ngắn hạn trên, Mỹ có thể trải qua kịch bản thứ tư xét về dài hạn. Kịch bản dài hạn này dường như chắc chắn hơn. Đó là nhờ vaccine, Mỹ sẽ kết thúc các đợt bùng phát lớn và tới mùa hè, cuộc sống sẽ bắt đầu trở lại bình thường.
Hiện nay, trên 19% dân số Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ. Với trên 3 triệu liều/ngày, Mỹ sẽ có tể tiêm cho phần lớn dân số trong vòng hơn một tháng nữa và tiêm cho mọi người trưởng thành trong vòng 3 tháng nữa. Nếu vậy, Mỹ có thể chứng kiến số ca mắc giảm trong thời gian tính theo tháng, thậm chí theo tuần.
Vẫn còn thách thức lớn phía trước. Tránh được kịch bản tồi tệ nhất có thể cứu mạng hàng chục nghìn người. Điều quan trọng là tăng cường tiêm vaccine để chạy đua với các biến thể mới có thể sẽ xuất hiện.