Với tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đứng hàng thứ ba châu Âu, Seriba được coi là một thành công của khu vực Balkan. Thế nhưng, hiện tại quốc gia này lại phải vật lộn tìm kiếm, khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Dưới sự điều hành của Tổng thống Aleksandar Vucic, Serbia đã mua đủ lượng vaccine để tiêm cho toàn bộ dân số 7 triệu người. Nhưng nguồn cung ứng hiện áp đảo nhu cầu chủng ngừa do tâm lý e ngại vaccine.
Hồi đầu tháng tháng 3 vừa qua, ông Vucic thông báo Serbia có gần 15 triệu liều vaccine. Nhưng đến ngày 25/3, giới chức y tế nước này cho biết mới chỉ có 1,3 triệu người được tiêm ngừa vaccine COVID-19. Tuần trước, hàng nghìn người nước ngoài đã vượt biên giới, sang Serbia để tiêm miễn phí. Trong 3 ngày, đã có 22.000 người nước ngoài được tiêm.
Chủ nghĩa hoài nghi về những lời mời gọi tiêm vaccine ở Serbia rất mạnh, đến mức Tổng thống Vucic đã phải xuất hiện trên truyền hình, kêu gọi và gần như khuyên nài người dân đi tiêm vaccine.
Theo nhiều nhà phân tích, Serbia là nước có tỉ lệ người dân không tin tưởng vaccine cao nhất, có phong trào chống vaccine mạnh nhất tại khu vực. Đó là do sự phát triển mạnh của nhiều thuyết âm mưu tại quốc gia Balkan này.
Tháng 2 vừa qua, Liên minh Đoàn kết chống COVID (UAC) đã nộp đơn khởi kiện hình sự đối với chuyên gia bệnh đường hô hấp người Serbia Branimir Nestorovic vì vi phạm điều khoản đạo đức ngành y. Là một thành viên của nhóm khủng hoảng COVID-19 ở Serbia, ông Nestorovic thường xuyên tung ra những luận điểm sai lệch về lây nhiễm dịch bệnh qua truyền thông, mạng xã hội, như việc khẳng định SARS-CoV-2 là “ngu ngốc” với hàm ý không nguy hiểm, người dưới 40 tuổi không thể bị nhiễm…
Theo nghiên cứu mới đây của Nhóm Cố vấn Chính sách châu Âu (EPAG), có 1/3 dân số châu Âu tin vào các thuyết âm mưu liên quan đến COVID-19. Ở khu vực tây Balkan, hơn 75% dân số tin ít nhất vào một hoặc nhiều hơn trong 6 giả thuyết sai lệch về đại dịch vốn thường được phát tán qua Internet dưới hình thức tin giả, “cảnh báo” về những mối nguy hiểm đến từ việc tiêm vaccine.
Theo chuyên gia dịch tễ học Zoran Radovanovic người Serbia, tâm lý mất lòng tin nói chung cùng với lo sợ là mảnh đất màu mỡ cho những người thích phát tán thuyết âm mưu ở Seriba. Mất lòng tin vào chính quyền đã lan sang mọi cơ quan, ngành chức năng, trong đó có cả ngành y, đội ngũ bác sĩ - những người vốn trước đây được xã hội tôn trọng.
Ông Radovanovic cho rằng, chính quyền của ông Vucic thiên về chủ nghĩa dân túy, đẩy mạnh việc tuyên truyền mua vaccine, coi việc làm mua đủ vaccine này là thành tựu, là chỗ dựa để có được tín nhiệm cao. Nhưng chính quyền lại thiếu biện pháp, chương trình hành động cụ thể để tác động đến ý thức, hành động của dân chúng trong tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.