Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ đầu năm 2021

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 7/4 cho biết nước này có thêm 668 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 106.898 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sejong, Hàn Quốc, ngày 31/3/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong 3 tháng qua, kể từ thời điểm làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng phát. Trong số ca nhiễm mới có 653 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. Việc số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh - vượt ngưỡng 600 ca - cho thấy nguy cơ lây nhiễm tập thể đang trở nên nghiêm trọng.

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4, tăng cường mở rộng phạm vi xét nghiệm nhằm nhanh chóng phát hiện người mắc bệnh trong cộng đồng.

Ông Chung Sye-kyun cũng bày tỏ lo ngại trước việc các ca nhiễm mới chủ yếu tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) và đang có xu hướng lan rộng ra cả nước.

Ông kêu gọi người dân khi tham gia bầu cử địa phương bổ sung cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch tại nơi bỏ phiếu (như đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách an toàn), đồng thời cảnh báo nếu làn sóng lây nhiễm thứ 4 bùng phát sẽ là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực phòng dịch từ trước đến nay cũng như kinh tế Hàn Quốc vốn đang bắt đầu phục hồi.

Số liệu thống kê của KDCA cũng cho thấy tính đến ngày 7/4, Hàn Quốc đã tiêm chủng cho hơn 1,03 triệu người (tương đương 2% dân số), trong đó 887.452 người được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) và 151.614 người tiêm vaccine của hãng Pfizer (Mỹ). Tổng số người được tiêm vaccine mũi thứ hai là 33.414 người.

Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine của hãng AstraZeneca từ ngày 26/2 vừa qua cho những người dưới 65 tuổi sống và làm việc tại các viện dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng, sau đó mở rộng tiêm cho đối tượng là nhân lực tuyến đầu đối phó với dịch COVID-19 (nhân viên y tế tại các bệnh viện). Từ ngày 23/3, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi tại các cơ sở điều dưỡng. Trong khi đó, vaccine của Pfizer được tiêm cho nhân viên y tế tại các bệnh viện điều trị COVID-19 bắt đầu từ ngày 27/2 và tiêm mũi hai từ ngày 20/3. Ngoài ra, từ ngày 1/4, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine Pfizer cho người trên 75 tuổi.

* Trong khi đó, Lào sẽ mở rộng diện đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi nhận được nhiều vaccine từ các nước bạn và các tổ chức quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, bên cạnh các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, Lào sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho các cán bộ, viên chức nhà nước của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các sở ban ngành ở địa phương, nhân viên các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và gia đình của họ, cũng như một số doanh nghiệp trong diện có nguy cơ.

Người dân có nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể đến các bệnh viện tuyến quận, huyện và trung ương để biết mình có đáp ứng các tiêu chí hay không. Việc tiêm chủng được thực hiện tại các bệnh viện, kể cả các bệnh viện tuyến huyện, nơi có cơ sở vật chất phù hợp.

Cục Vệ sinh và Bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế Lào cho biết khoảng 932.000 liều vaccine được cung cấp cho Lào gần đây đã được phân phối về các tỉnh. Các loại vaccine này bao gồm 800.000 liều do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất và 132.000 liều vaccine AstraZeneca/Oxford (Anh) do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới cấp thông qua cơ chế COVAX.

Tính đến ngày 4/4, đã có 102.491 người trong các nhóm nguy cơ ở Lào được tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong khi 6.171 người đã tiêm mũi thứ hai.

Lào dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 20% dân số, tương đương khoảng 1,6 triệu người trong năm nay. Tỷ lệ tiêm chủng dự kiến tăng lên 50% dân số vào năm 2022 và 70% vào năm 2023, và nhiều người được tiêm chủng hơn trong những năm tiếp theo.

* Cùng ngày 7/4, ông Natreeya Taweewong, cố vấn của Thủ tướng Thái Lan, thông báo một số bộ trưởng trong nội các Thái Lan và tất cả các nghị sĩ đảng Bhumjaithai đã bắt đầu cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với các ca mắc mới COVID-19.

Các quan chức trên gồm Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on, Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Mananya Thaiset, Bộ trưởng Giáo dục Trinuch Thienthong cùng các cấp phó của bà là Khunying Kalaya Sophonpanich và Kanokwan Vilawan.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đang làm việc tại nhà. Ông Anutin cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã tham dự cuộc họp nội các ngày 7/4 theo hình thức trực tuyến.

Có mặt tại Tòa nhà chính phủ để tham dự cuộc họp nội các có Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prayut Chan-o-cha, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Supattanapong Punmeechaow, Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin, Bộ trưởng Kinh tế Số và Xã hội Chaiwut Thanakhamanusorn và Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Anucha Nakasai.

Trước khi tham gia họp, ông Prayut cho biết ông đã được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và có kết quả âm tính. Thủ tướng Prayut cũng nói rằng Chính phủ có thể sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong dịp Tết cổ truyền Songkran vào tuần tới.

Anh Nguyên - Phạm Kiên - Ngọc Quang (TTXVN)
UNICEF đề xuất các biện pháp thúc đẩy phân phối vaccine công bằng 
UNICEF đề xuất các biện pháp thúc đẩy phân phối vaccine công bằng 

Ngày 6/4, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Henrietta Fore đề xuất cần đơn giản hóa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ (IPR) để sản xuất được nhiều vaccine ngừa COVID-19 hơn, trong bối cảnh trên 133.000.000 người đã mắc bệnh và trên 2,8 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN