Bộ trên cho hay trong số này, chỉ có 2.003 ca mắc có triệu chứng. Tổng cộng đã có 271.547 người tiến hành xét nghiệm COVID-19 trong ngày 6/4, nâng tổng số người thực hiện xét nghiệm tại nước này là 40.083.142 người. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 11/3/2020.
Cùng ngày, Iran thông báo ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ qua với 17.430 ca mắc mới. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho hay con số trên đã vượt mức đỉnh 14.051 ca ghi nhận được hồi cuối tháng 11/2020. Với số ca mắc mới này, Iran đã ghi nhận tổng cộng 1.963.394 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 63.506 ca. Trước tình hình trên, bà Lari cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 4 tại quốc gia Hồi giáo này.
Iran đang chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Trung Đông và số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng trong nhiều tuần qua do người dân di chuyển nhiều trong dịp Năm mới của nước này. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cũng cảnh báo Iran đang đối mặt với một trong những làn sóng dịch nghiêm trọng nhất và nguy cơ nước này mất kiểm soát.
Hàng chục thị trấn và thành phố, bao gồm thủ đô Tehran, bị xếp vào mức "đỏ", mức cao nhất trong thang đánh giá nguy cơ lây nhiệm của nươc này, buộc tất cả cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Iran đã tránh áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước kể từ khi đại dịch bùng phát, thay vào đó, nước này đưa ra các biện pháp hạn chế, như cấm tạm thời các chuyến đi du lịch và công tác nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ Y tế và thể thao Myanmar thông báo nước này đã ghi nhận thêm 11 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 142.541 ca. Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào và số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức 3.206 ca. Myanmar đã ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/3/2020.
Tại châu Âu, làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Bỉ có dấu hiệu chững lại, song số ca bệnh thể nặng lại gia tăng, chủ yếu là những bệnh nhân ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Theo y tá Nicolas Ottermans tại Bệnh viện Ixelles ở Brussels, số bệnh nhân cao tuổi phải điều trị tích cực đã giảm, thay vào đó là những người ở độ tuổi 40,50 và 60 tuổi.
Bỉ hiện có 2.000 giường bệnh trong khu điều trị tích cực và ở làn sóng dịch thứ nhất hồi tháng 4 năm ngoái, đã có 1.285 giường được sử dụng, con số này ở làn sóng thứ hai là 1.464 giường.
Các nhà chức trách y tế tại Bỉ đã yêu cầu các bệnh viện ưu tiên dành 60% giường bệnh trong khu điều trị tích cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Riêng trong ngày 6/4, quốc gia gồm 11,5 triệu dân này đã ghi nhận 3.053 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện, 865 trong số này phải điều trị tích cực, tăng gấp đôi so với tháng trước. Theo chuyên gia y tế Bỉ, với đà này, Bỉ sẽ chạm ngưỡng 1.000 ca điều trị tích cực chỉ trong vòng 1 tuần.
Tại Bỉ, hiện nhóm đối tượng cao tuổi nhất và dễ bị tổn thương đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi số ca mắc chủ yếu là những người trung niên, vốn ít có khả năng tử vong song vẫn có thể mắc bệnh nặng. Cac chuyên gia y tế nhận định hhững người trẻ tuổi có nhiều khả năng sống sót hơn, nhưng họ thường phải điều trị trong thời gian lâu hơn và sau hơn 1 năm đại dịch bùng phát, các nhân viên y tế đã cảm thấy mệt mỏi.