Hàn Quốc thận trọng trước nguy cơ ổ dịch 'Tân Thiên Địa' thứ hai; chuyên gia cảnh báo Israel chưa sớm thoát dịch

Dù số ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu giảm tại Hàn Quốc và Israel, nhưng giới chức và chuyên gia các nước này tỏ ra thận trọng về nguy cơ bùng phát những ổ dịch mới cùng biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khiến diễn biến dịch bệnh trở nên khó lường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/12/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mặc dù số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 400 ca/ngày nhờ vào các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn, song giới chức y tế nước sở tại vẫn cảnh giác cao độ về sự gia tăng các ca lây nhiễm mới liên quan đến các cơ sở tôn giáo.

 Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 26/1 cho thấy Hàn Quốc đã có thêm 354 ca nhiễm mới, trong đó có 338 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 75.875 ca.

Trong ngày 25/1, nước này đã ghi nhận có hơn 150 trường hợp lây nhiễm mới tại một cơ sở giáo dục tôn giáo ở trung tâm thành phố Daejeon, cách thủ đô Seoul 164 km về phía Nam, và 23 ca nhiễm mới từ một cơ sở giáo dục tôn giáo khác ở thành phố Gwangju, cách Seoul 329 km.

Cùng với số ca lây nhiễm trong trong cộng đồng gia tăng, số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng gia tăng. KDCA cho biết đã có thêm 9 ca nhiễm các biến thể mới tại Hàn Quốc (4 trường hợp từ Anh, 3 trường hợp từ Nam Phi và 2 trường hợp từ Brazil) nâng tổng số ca nhiễm biến thể tại quốc gia châu Á này lên 27 ca.

 KDCA cho biết các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang tích cực truy vết và theo dõi diễn biến của đợt lây nhiễm hàng loạt vừa xảy ra tại Trường quốc tế IEM đào tạo tôn giáo (chưa được cấp phép) ở thành phố Daejeon khi số lượng sinh viên và giảng viên mắc bệnh từ cơ sở này đã lên tới 127 người vào ngày 25/1 vừa qua.

Trường này do một tổ chức truyền giáo có tên là IM điều hành. IM sở hữu một mạng lưới rộng khắp với hơn 20 cơ sở giáo dục tương tự khác trên khắp Hàn Quốc. KDCA đặc biệt lo ngại vì các sinh viên theo học tại Trường IEM không chỉ sinh sống ở thành phố Daejeon mà còn đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Do vậy, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao khi nhiều người trong số họ đã đi du lịch hoặc về nhà vào dịp nghỉ cuối tuần. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy đã có thêm 39 người liên quan đến Trường IEM có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi đến thăm thành phố Hongcheon thuộc tỉnh Gangwon lân cận trong chuyến đi đến một cơ sở tôn giáo ở đó.

Ngoài ra, tại Trường Quốc tế TCS Ace, cũng thuộc sở hữu của IM, nằm ở thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul 329 km về phía Tây Nam, cũng đã bùng phát dịch bệnh với 31 ca nhiễm mới. Một cơ sở TCS khác ở thành phố Yongin (thuộc tỉnh Gyeonggi), ngoại ô Seoul, cũng đã trải qua một đợt bùng phát lây nhiễm bắt nguồn từ một nhà thờ gần đó hồi cuối tháng 12/2020.

 KDCA đặc biệt lo ngại đợt lây nhiễm mới này có thể diễn biến theo cách thức tương tự như những đợt bùng phát trước đó tập trung vào các cơ sở tôn giáo khác (giáo phái Tân Thiên Địa - Shincheonji - và BTJ). Theo các quan chức thành phố Daejeon, học sinh tốt nghiệp Trường IEM thường xuyên được gửi đến các trung tâm giáo dục liên kết ở các khu vực khác trên cả nước để đào tạo trở thành nhà truyền giáo.

Ngoài ra, IM gần đây cũng đã tổ chức các sự kiện định hướng tuyển sinh tại các cơ sở trên toàn quốc và các nhân viên của IM được cho là đã tiếp xúc với học sinh và phụ huynh ở nhiều khu vực khác nhau.

Phát biểu với báo giới cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết chính phủ sẽ huy động tất cả các lực lượng sẵn có để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Ông nhấn mạnh: "Sau khi rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng Shincheonji và BTJ, lần này chúng ta sẽ giành ưu thế về tốc độ ngăn chặn (đối phó với các đợt bùng phát)".

Ngoài ra, cơ quan phòng dịch vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm tập thể mới lại các cơ sở dễ mắc bệnh như viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội và nhà thờ. KDCA nhận định với 17% số ca mắc COVID-19 mỗi ngày được phát hiện thông qua các trạm xét nghiệm lưu động tạm thời cho thấy khả năng số ca chưa có dấu hiệu mắc bệnh trên thực tế có thể còn nhiều hơn. Trong trường hợp biến thể virus với sức lây nhiễm cao lan rộng tại Hàn Quốc, nguy cơ tái bùng phát dịch sớm là có thể xảy ra.

Hiện các cơ quan y tế Hàn Quốc đang xem xét đến khả năng tiếp tục gia hạn lệnh cấm tụ tập riêng tư từ 5 người trở lên trên cả nước trong bối cảnh người dân sẽ đi du lịch khắp cả nước và tụ tập đông người trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

* Ngày 25/1, một chuyên gia hàng đầu về phòng chống COVID-19 của Israel cũng cảnh báo với những diễn biến mới nhất của biến thể virus SARS-CoV-2, nước này khó có thể thoát khỏi đại dịch sau đợt phong tỏa kết hợp tiêm vaccine hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Chủ tịch Ủy ban Chống dịch COVID-19 của Israel, ông Nachman Ash  cho biết cách đây hai tuần, ông tin rằng đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 mà Israel đang áp dụng có thể là lần cuối cùng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Givatayim, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, tại thời điểm này, ông tỏ ra thận trọng: “Nếu chúng ta mở cửa nền kinh tế quá sớm, việc này sẽ dẫn đến làn sóng dịch bệnh nữa… Các biến thể mới, đặc biệt là biến thể tại Anh, buộc chúng ta phải thận trọng khi tính đến mở cửa xã hội trở lại".

Trong tuần này, Bộ Y tế Israel sẽ đề xuất với chính phủ hai kịch bản tái mở cửa xã hội, trong đó có kịch bản tỷ lệ lây nhiễm sẽ còn tăng mạnh. Cả hai kịch bản đều được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu mở cửa dần các trường học và cơ sở kinh doanh buôn bán, trở về tình trạng giống như trước khi áp dụng phong tỏa.

Giai đoạn tiếp theo dành cho các hoạt động được lên kế hoạch và có giới hạn. Cuối cùng mới tính đến mở cửa các hoạt động quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian cụ thể cho mỗi giai đoạn vẫn chưa thể khẳng định do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp.

 Trong những ngày qua, số bệnh nhân COVID-19 mới tại Israel đã giảm nhưng vẫn ở mức cao trên 4.800 người/ngày, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước vượt 600.000 ca. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính vẫn trên 9%. Một vài số liệu khác cũng khá quan ngại, bao gồm số bệnh nhân tử vong là 4.419 người và số bệnh nhân nặng đang phải điều trị tích cực hiện đã lên tới trên 1.140 ca.

Một số bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải, không chỉ về trang thiết bị, mà cả tài chính. Một nhóm các bệnh viện công đã ngừng tiếp nhận xe cấp cứu chở bệnh nhân không phải trong tình trạng nguy hiểm tính mạng. 

Theo giáo sư Nachman Ash, vấn đề cần thiết với Israel hiện nay là không để tình trạng bệnh viện bị quá tải kéo dài, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh. Mỗi ngày, các cơ sở y tế tại Israel đang tiêm cho khoảng 200.000 người – một con số cao kỷ lục. Tính đến ngày 25/1, tại Israel đã có hơn  1 triệu người được tiêm đủ hai mũi.

Anh Nguyên - Vũ Hội (TTXVN)
100 triệu người mắc COVID-19: Dấu mốc buồn của thế giới
100 triệu người mắc COVID-19: Dấu mốc buồn của thế giới

Ngày 26/1, thế giới trải qua một dấu mốc buồn: Có 100 triệu người đã và đang mang trong người virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN