Ngày 26/1, thế giới trải qua một dấu mốc buồn: Có 100 triệu người từng cảm nhận nỗi đau vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong số đó, ít nhất 2,14 triệu người đã thiệt mạng. Thế giới có thể sẽ có thêm nhiều triệu ca bệnh và nhiều người chết nữa, cho tới khi niềm hy vọng vaccine trở thành sự thật.

Hình ảnh minh họa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 1 năm trước đây, không ai trên Trái Đất này lại hình dung được rằng thời khắc đảo lộn tất cả sắp tới. Hơn 1 năm trước đây, thế giới của chúng ta bình yên là thế. Tất cả đã đổi thay nhanh chóng, không phải bởi chiến tranh mà là vì dịch họa, một đại dịch khủng khiếp cả trăm năm mới thấy - COVID-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, với trên 29,5 triệu ca bệnh, khu vực Bắc Mỹ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, trong đó Mỹ là nơi dịch hoành hành nghiêm trọng nhất, không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nhất khu vực mà còn nhất thế giới.

Tiếp đó là châu Âu, cũng có trên 29,2 triệu ca bệnh. Châu lục này đang ở làn sóng dịch bệnh thứ hai với nhiều diễn biến khó lường. Nhiều quốc gia đã phải phong tỏa trở lại để kiềm chế đà lây lan chóng mặt của virus.

Trung Quốc, quốc gia là nơi khởi phát dịch bệnh, nay cũng đang phải khẩn trương áp dụng mọi biện pháp nghiêm ngặt nhất có thể để khống chế đợt bùng phát tại một số địa phương với hy vọng tránh được kịch bản như ở Vũ Hán thời kỳ đầu.

Tại khu vực Đông Nam Á, trong khi nhiều quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì có những quốc gia như Indonesia đang chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng hàng ngày. Tại châu Á, quốc gia này có số ca bệnh chỉ kém Iran.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt dù nhiều nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 đại trà, sự xuất hiện của nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 như ở Anh, Brazil hay Nam Phi càng khiến cuộc chiến chống COVID-19 của nhân loại thêm gian nan. 

Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bị đóng cửa sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 11/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mùa đông nào bà Wei Guixian, một tiểu thương bán hải sản ở chợ Hua’na (Vũ Hán, Trung Quốc), cũng mắc cảm cúm. Nên mùa đông này, bà cũng nghĩ mình bị cúm khi thấy người mệt mỏi. Ngày 10/12/2019, bà Wei ra phòng khám nhỏ gần nhà để khám bệnh và trở lại làm việc như bình thường mà không lo lắng gì. 

Thế nhưng, dù truyền kháng sinh hai ngày liền nhưng bệnh tình của bà không đỡ. Tới ngày 12/12, bà Wei vội tới Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán. Tại đây, bác sĩ bảo bà có triệu chứng giống viêm đường hô hấp. Bác sĩ cho bà về nhà uống thuốc và trấn an “không cần lo”. Sau đó, bà lại tới phòng khám gần nhà để truyền thêm kháng sinh. Vẫn không có tác dụng.

 

 

Tám ngày sau, người phụ nữ 57 tuổi này mê man trên giường bệnh. Giới chức y tế Trung Quốc khi đó không hề biết rằng những gì đang diễn ra chính là dấu mốc đầu tiên của một đại dịch làm chao đảo thế giới. Bà Wei được coi là “bệnh nhân số 0”. Đại dịch COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán cuối năm 2019, để rồi sau đó lây lan với tốc độ chóng mặt. Thế giới thay đổi từ đây. 

Ngày 23/1/2020, từ các bệnh nhân đầu tiên như bà Wei ở chợ hải sản, virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan mất kiểm soát ở thành phố Vũ Hán, giới chức đã áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn với 11 triệu dân ở đây, chặn mọi hoạt động ra vào thành phố. Xe buýt và tàu điện ngầm đều ngừng hoạt động. Mọi tuyến đường cao tốc ra vào Vũ Hán đều bị chặn hoàn toàn. Phần lớn dân Vũ Hán không rời khỏi nhà trong gần 3 tháng. Lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày này đã giúp chính quyền ngăn chặn được dịch lây lan.

Giờ đây, khi nhiều nơi trên thế giới vẫn lao đao vì đại dịch, Vũ Hán được coi là một trong những nơi an toàn nhất. Dù vậy, các ca mắc COVID-19 đã tiếp tục gia tăng ở các khu vực khác tại Trung Quốc.

Những "người hùng" trong công tác dập dịch. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại tỉnh Hà Bắc quanh thủ đô Bắc Kinh và một vài khu vực ở tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc, chính quyền đều ghi nhận số ca mắc ở mức ba con số. Các ca nhiễm lẻ tẻ cũng xuất hiện ở Bắc Kinh và Thượng Hải. So với số ca mắc hằng ngày lên tới hàng chục nghìn ở châu Âu, hàng trăm nghìn ở Mỹ thì con số ở Trung Quốc hiện nay rất thấp. Tuy nhiên, con số này là cao nhất từ mùa hè và giới chức đang rất nghiêm túc trong xử lý đợt bùng phát mới.

Thủ phủ Thạch Gia Trang 11 triệu dân của tỉnh Hà Bắc đã bị phong tỏa. Một số khu vực ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng bị phong tỏa. 

Ngày 22/1, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã khởi động chiến dịch xét nghiệm cho 2 triệu người trong vòng 48 giờ để khống chế các ổ dịch mới có liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần, với hàng trăm triệu người dự kiến sẽ về thăm nhà, chính quyền đang nỗ lực không để dịch bùng phát mạnh tại thủ đô Bắc Kinh.

Ngày 21/1/2020, Mỹ phát hiện ca đầu tiên nhiễm COVID-19. Đó là một nam giới khoảng 30 tuổi sống ở ngoại ô Seattle, vừa đến Vũ Hán và trở về nhà hai ngày trước khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) bắt đầu rà soát người từng đến Trung Quốc. 

Không lâu sau đó, thành phố Seattle nhanh chóng đã trở thành điểm nóng dịch bệnh ở Mỹ, với số người mắc tăng nhanh sau khi virus lan đến một nhà dưỡng lão ở ngoại ô thành phố.  

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: The New York Times/TTXVN

 

Ngày 13/3/2020, sau một thời gian dài đánh giá thấp dịch bệnh cùng các quy tắc phòng ngừa, Tổng thống Donald Trump khi đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến bệnh COVID-19. Động thái này đi kèm việc giải ngân hàng tỷ USD trong ngân sách liên bang cho giới chức bang và địa phương để triển khai chống dịch. 

Song có vẻ Mỹ đã chậm một bước và đánh giá dịch bệnh chủ quan một chút. Chỉ ba tháng sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên lãnh thổ Mỹ, nước này đã cán mốc 1 triệu người mắc. Đến ngày 9/11/2020, con số này tăng gấp 10 lần.

 

Về số người tử vong, bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ thiệt mạng do COVID-19 là một phụ nữ 57 tuổi sống tại hạt Santa Clara. Bà qua đời ở nhà riêng vào ngày 6/2/2020. Tính đến ngày 27/5/2020, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người tại Mỹ. 4 tháng sau đó, số ca tử vong cán mốc 200.000 người. Và khoảng giữa tháng 12, thêm 100.000 người khác không qua khỏi sau khi nhiễm virus. Đặc biệt, ngày 2/10, ông Donald Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông và phu nhân Melania đã dương tính với virus SARS-CoV-2, tạo ra một cơn địa chấn chính trị trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.  

Hơn 1 năm sau, nước Mỹ có trên 25,5 triệu người mắc và trên 420.000 người tử vong vì COVID-19. Từ nhiều tháng qua, Mỹ luôn đứng đầu danh sách các nước trong bảng thống kê số liệu về COVID-19. Trong suốt năm 2020, nước Mỹ chống COVID-19 không theo kịch bản, kế hoạch chung mà theo kiểu bang nào bang đó tự quyết. Thông điệp từ chính phủ liên bang không nhất quán và trái ngược với giới khoa học. Các quan chức Mỹ từ cấp cao nhất nhiều lần bác bỏ mối nguy hiểm của dịch bệnh, coi nhẹ việc đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội.

Hậu quả là cường quốc số một thế giới lại chống COVID-19 thuộc hàng kém nhất thế giới. Nhiều người Mỹ đã bị tước đi cơ hội sống, không còn được ngồi ăn tối bên gia đình, được đi học hay đi làm, để lại khoảng trống trải không thể nào bù đắp. Vào các đỉnh dịch, hệ thống y tế trở nên quá tải kéo theo đội ngũ y, bác sĩ kiệt sức. Thậm chí, hơn 6 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 700 thi thể nạn nhân xấu số ở thành phố New York vẫn bị chất chồng lên nhau bên trong những chiếc xe tải đông lạnh

Các xe tải đông lạnh được sử dụng làm nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ, trong bối cảnh số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tăng cao ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại thời điểm Mỹ vừa chứng kiến ông Joe Biden nhậm chức tổng thống, nhiều người đặt niềm hy vọng rằng ông sẽ tháo gỡ được những trở ngại trong chiến dịch chống COVID-19. Nhà lãnh đạo này đã đặt mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu nhậm chức. Chuyên gia y tế hàng đầu Anthony Fauci đánh giá mục tiêu trên là khả thi. 

Các nội dung chính của "Chiến lược quốc gia về ứng phó dịch COVID-19 và sẵn sàng ứng phó đại dịch" đã được Nhà Trắng công bố đi kèm tuyên bố: "Chúng ta có thể và sẽ đánh bại dịch COVID-19. Nước Mỹ xứng đáng có được chiến lược ứng phó đại dịch COVID-19 nhờ sự hỗ trợ của khoa học, số liệu và y tế cộng đồng". 

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết ông Biden sẽ ngay lập tức ký 10 sắc lệnh hành pháp và các chỉ thị khác, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang tại các sân bay và một số phương tiện công cộng nhất định, nhằm khởi động chiến lược quốc gia trên.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế JFK ở New York, Mỹ, ngày 22/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch này đặt ra một số mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm, cũng như củng cố lực lượng y tế.

Kế hoạch này cũng sẽ mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; mở cửa lại trường học, doanh nghiệp và du lịch một cách an toàn; bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai. Chính quyền mới cũng đang kỳ vọng Quốc hội thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD để mua các liều vaccine và 50 tỷ USD dành cho công tác xét nghiệm.

Với trên 29,2 triệu ca bệnh và đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ hai, châu Âu ngày càng lo lắng về các biến thể dễ lây lan hơn của SARS-CoV-2 đang xuất hiện khắp châu lục.

Hơn một năm sau khi bị đại dịch hoành hành, các bệnh viện ở châu Âu quá tải nặng nề, buộc nhiều quốc gia phải hạn chế nghiêm ngặt hoạt động di chuyển của người dân.

\

 

Những ca mắc COVID-19 đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận từ ngày 24/1/2020 với 3 ca ở Pháp – tất cả đều có lịch sử đi lại tới Vũ Hán – tâm dịch đầu tiên của thế giới. Một số lãnh đạo châu Âu hồi tháng 1/2020 cho biết khả năng virus từ Trung Quốc xâm nhập vào là nhỏ, nhưng ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố virus là tình trạng y tế khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Mọi chuyện diễn biến nhanh chóng hồi tháng 2/2020 và tình hình dịch bệnh ngày càng đáng lo ngại. Dịch bệnh mới được WHO đặt tên là COVID-19 từ ngày 11/2/2020. WHO cảnh báo các quốc gia rằng cần chuẩn bị tinh thần vì virus có thể tàn phá hơn chủ nghĩa khủng bố, hơn chiến tranh. 

Ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận vào ngày 15/2/2020 ở Pháp. Tới 21/2/2020, 9 quốc gia đã có ca mắc đầu tiên. Tình hình tại Italy đặc biệt nghiêm trọng khi số ca bệnh liên tục tăng, khiến chính phủ Italy phải phong tỏa tỉnh Lombardy – nơi ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng đầu tiên của châu Âu bùng phát. 

Tới tháng 3, cuộc sống của người dân châu Âu thay đổi hoàn toan khi nhiều nước phải phong tỏa nghiêm ngặt do số ca nhập viện và tử vong gia tăng. Italy đã phải phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3/2020. Nhiều nước châu Âu bắt đầu đóng cửa biên giới với Italy để phòng dịch.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch ngày 11/3/2020 và tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Bỉ đóng cửa trường học và ban hành các hạn chế nghiêm ngặt. Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đề nghị dân ở nhà. Pháp đóng cửa nhà hàng, trường học và phong tỏa ngày 17/3/2020. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi COVID-19 là thách thức lớn nhất với nước Đức và kêu gọi người dân ở nhà từ giữa tháng 3/2020. Anh phong tỏa từ ngày 22/3/2020 và bị coi là quá chậm. Anh giờ có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu.

Số ca tử vong tăng mạnh vào tháng 4/2020 khiến một số nước Tây Âu nhanh chóng vượt qua mốc 10.000 ca mắc và có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

Tới 19/4/2020, có trên 100.000 người chết ở châu Âu và trên 1 triệu ca mắc. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã có diễn biến tốt ở Tây Âu. Đức có ít ca tử vong hơn các nước láng giềng và đã mở cửa trở lại các cửa hàng nhỏ. Các nước châu Âu khác đã bắt đầu có kế hoạch dỡ phong tỏa, mở cửa theo giai đoạn.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong tháng 5 và 6/2020, khi số ca mắc COVID-19 giảm dần, các nước châu Âu nới lỏng biện pháp phòng dịch. Pháp mở cửa lại nhà hàng, Anh mở cửa lại trường học. Hội đồng khoa học Pháp tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh. Đến tháng 7/2020. Phần lớn châu Âu trở lại bình thường khi người dân được đi du lịch khi các nước tranh thủ hút du khách để bù lại thiệt hại cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, ở một số nơi tại châu Âu, virus tiếp tục hoành hành. Thanh niên đi du lịch bị đổ lỗi làm lây lan virus. Số ca mắc tiếp tục tăng nhanh ở một số quốc gia. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Liên minh châu Âu kêu gọi các nước nhanh chóng áp dụng biện pháp cục bộ để đối phó với số ca mắc gia tăng đáng lo ngại.

Trong tháng 10 và 11/2020, nhiều nước châu Âu lại phải phong tỏa trở lại, nước thì áp đặt giờ giới nghiêm. Diễn biến lúc này chỉ có xấu đi. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo không thể hồi phục kinh tế EU trong bối cảnh ca mắc gia tăng trong làn sóng thứ hai.

Diễn biến đại dịch COVID-19 thêm đáng lo khi nhiều biến thể mới của virus xuất hiện.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 9/2020 tại hạt Kent ở Anh và đã nhanh chóng lây lan từ giữa tháng 12/2020 ra khắp nước Anh. WHO cho rằng biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn 50 - 70%.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/1 thông báo có bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh có thể liên quan với tỷ lệ tử vong cao hơn. WHO thông báo biến thể mới tại Anh đã được phát hiện tại ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Trong khi đó, biến thể mới tại Nam Phi được phát hiện lần đầu từ tháng 8/2020 và được chuyên gia y tế đánh giá là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Nam Phi tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam bao gồm 2 tỉnh duyên hải Eastern Cape và Western Cape, nơi có thành phố du lịch mang tính biểu tượng toàn cầu là Cape Town.

Các nhà khoa học Nam Phi tìm ra bằng chứng cho thấy biến thể mới ở nước này có độc lực mạnh hơn cũng như có tốc độ lây lan cao hơn nhiều so với virus gốc. Đến thời điểm hiện tại, biến thể này đã lây lan tới ít nhất 23 quốc gia trên thế giới.

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi Salim Abdool Karim cho biết ngoài tốc độ lây lan nhanh, biến 501Y.V2 có khả năng bám dính chặt và sâu hơn bên trong tế bào vật chủ, do đó khiến bệnh tình nặng hơn cũng như khó chữa trị hơn so với virus SARS-CoV-2. Giáo sư Karim nêu rõ, với 23 đột biến khác nhau, ngoài khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh, biến thể 501Y.V2 còn khiến công tác tầm soát dịch bệnh của các lực lượng chức năng càng thêm khó khăn. 

Thêm một thông tin lo ngại nữa là các nhà khoa học đến từ các trường đại học và Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NICD) của Nam Phi cho biết biến thể 501Y.V2 tại nước này có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt", làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine. Phát hiện trên đồng nghĩa với việc dù nhiều người từng nhiễm SARS-CoV-2 và được cho là đã tích lũy khả năng miễn dịch ở mức nhất định, thì các biến thể mới như 501Y.V2 vẫn có nguy cơ gây tái nhiễm.

Một biến thể nữa cũng gây chú ý là biến thể ở Brazil. Các nhà khoa học cũng cho rằng biến thể P1 ở Brazil có thể gây tái nhiễm COVID-19. Biến thể này có 20 đột biến, trong đó có ba đột biến đặc biệt đáng lo ngại vì có thể khiến virus dễ lây lan hơn và giảm hiệu quả vaccine.

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy các biến thể mới, đặc biệt là biến thể ở Brazil và Nam Phi, có thể lẩn trốn hệ miễn dịch của con người. Các biến thể chứa các đột biến gene của protein gai - loại protein gắn ở vỏ ngoài của virus, giúp chúng "lẩn trốn" hệ miễn dịch - cho phép virus bám vào tế bào của người, do đó loại protein này đóng vai trò quan trọng đối với khả năng lây nhiễm. Mỗi khi có thông tin mới về các biến thể, các quốc gia đều phải tăng cường phòng chống biến thể này lây lan vào nước mình.

Các nước cần chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

 

Ngày 21/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt hơn và tăng tốc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh. Cơ quan này kêu gọi các nước thành viên theo dõi sát tốc độ lây nhiễm bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh để kịp thời đánh giá nguy cơ lây lan và tác động của các biến thể mới. 

Trong bức tranh đại dịch u ám, thế giới luôn đặt niềm tin và dõi theo quá trình phát triển vaccine. Vaccine COVID-19 là loại được phát triển và cấp phép sử dụng nhanh chưa từng có.

 

Hãng tin AFP thống kê đã có hơn 40 triệu liều vaccine COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới, đã triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy có tới 9/10 số vaccine trên được triển khai tại 11 quốc gia, trong đó Israel là quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua tiêm chủng vaccine hàng loạt tính theo tỷ lệ dân số. Israel đã tiêm 2,43 triệu liều vaccine cho 2,12 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số và khoảng 3,6% dân số Israel đã được tiêm liều thứ hai.

Tại châu Âu, Anh là quốc gia có tốc độ triển khai tiêm đại trà nhanh nhất. Cho đến nay, Anh đã tiêm 4,31 triệu liều cho 3,86 triệu người dân (chiếm 5,7% dân số). Đứng sau Anh tại châu Âu là Italy, với 1,5 triệu liều và Đức là 1,05 triệu liều. Tính theo tỷ lệ tiêm chủng trên cả thế giới, Anh đã vượt qua Mỹ - nước đứng đầu về số lượng vaccine với 12,28 triệu liều tiêm cho khoảng 10,6 triệu người dân (chiếm 3,2% dân số) và Trung Quốc, với hơn 10 triệu liều. 

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm tổng cộng hơn 5 triệu liều trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, Đan Mạch đứng đầu EU với 2,9% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên.

Tính tổng cộng, đã có 7 loại vaccie đang được lưu hành trên khắp thế giới và tất cả các loại đều có phác đồ tiêm 2 mũi. Vaccine Pfizer/BioNTech (do Mỹ và Đức phối hợp chế tạo) và Moderna (Mỹ) là những loại chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và Vùng Vịnh. Vaccine AstraZeneca/Oxford của Anh được sử dụng nhiều ở Vương quốc Anh và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ cũng sử dụng vaccine do công ty dược phẩm Bharat Biotech của chính nước này sản xuất.

Vaccine Sputnik V của Nga đã được triển khai nhiều nhất ở Nga, Argentina, Belarus và Serbia. Trong khi vaccine của hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đang được phân phối tại chính nước này và một loạt quốc gia khác như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Seychelles và Jordan. Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vaccine Sinovac cũng của Trung Quốc.

 

Các chuyên gia hy vọng khi ngày càng nhiều quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 thì đại dịch sẽ dần dần được kiểm soát. Khi đó, số ca mắc và số ca tử vong có thể sẽ giảm chứ không còn tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, COVID-19 tự nó chứng minh là một đại dịch vô cùng nguy hiểm vì đã xóa nhòa gần như mọi tiêu chuẩn về phòng chống dịch trước nay. Không có một biện pháp đơn lẻ nào, không có một quốc gia nào có thể một mình đương đầu với đại dịch.

Vaccine là niềm hy vọng lớn của nhân loại giữa nỗi đau đại dịch. Song còn quá sớm để khẳng định vaccine COVID-19 sẽ là phép màu vì phương thuốc nào cũng cần thời gian để chứng minh hiệu quả. Điều quan trọng hơn cả với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và người dân ở thời điểm này là thực hiện nghiêm chỉnh mọi qui định về phòng chống dịch, vì sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội. 

Bài: Thùy Dương (Tổng hợp)

Trình bày: Hồng Hạnh

26/01/2021 06:05