Trung Quốc địa phương hóa chiến thuật chống COVID-19, mỗi làng một chính sách

Trung Quốc đang triển khai các chiến thuật địa phương hóa để đối phó với làn sóng bùng phát COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đây được đánh giá là một cách tiếp cận nhằm tránh tình trạng "đóng cửa" trên diện rộng đã tàn phá nền kinh tế nước này trong năm ngoái song cũng tạo ra nhiều bất ổn trước dịp nghỉ tết Nguyên đán, đặc biệt là cuộc di dân lớn nhất thế giới “Xuân Vận” đang tới gần.

Theo hãng tin Reuters, trong hai tuần qua, giới chức tại tỉnh Hà Bắc – khu vực bao quanh thủ đô Bắc Kinh và chứng kiến hàng trăm ca mắc mới – trong cuộc họp ngày 18/1 đã được thông báo thực hiện nguyên tắc “một làng, một chính sách” và lập kế hoạch riêng biệt cho từng cộng đồng.

Sau nhiều tháng duy trì số ca mắc COVID-19 mới luôn ở mức thấp, kể từ đầu năm nay, Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca bệnh, với hơn 100 ca mỗi ngày, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát quy mô lớn.

Nhằm giải quyết các ổ dịch mới ở Hà Bắc và một số khu vực khác, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tuần trước cho biết các quan chức địa phương cần nâng cao phòng ngừa và tránh chiến thuật “một giải pháp cho tất cả”.

Cụ thể, Bắc Kinh đã giao việc này cho chính quyền cấp tỉnh và người sử dụng lao động để kêu gọi hoặc khuyến khích mọi người không đi lại trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, bắt đầu vào ngày 12/2 năm nay.
Trên 20 khu vực cấp tỉnh đã yêu cầu người dân ở lại trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã phải hủy bỏ vì nhận được nhiều lời phàn nàn từ những người mong muốn về thăm quê.

“Tôi muốn đặt vé về vào ngày 25/1 nhưng tôi được giới chức ở quê thông báo họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra vài ngày sau đó và họ không thể đảm bảo 100% rằng tôi có thể về mà không cần cách ly”, một tài khoản mạng xã hội Weibo có tên Yijin Jiajin cho biết.

Các quy định và hướng dẫn tại mỗi khu vực, thậm chí ngay trong thành phố, khác nhau và thường xuyên thay đổi đang khiến cho người dân cảm thấy mơ hồ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đừng gọi đó là “phong tỏa”

Ngày 19/1, Qiqihar thuộc tỉnh Hắc Long Giang trở thành thành phố mới nhất yêu cầu một bộ phận người dân ở trong nhà. Tại Bắc Kinh, một số khu dân cư cũng bị cô lập.

Khoảng 30 triệu người ở các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc hiện phải chịu nhiều hình thức giới nghiêm khác nhau, mặc dù các thành phố dường như đang tránh dùng từ "phong tỏa", hoặc "phong thành" theo tiếng Trung Quốc, vốn được sử dụng rộng rãi để mô tả biện pháp ứng phó cứng rắn trong đợt bùng phát năm ngoái ở Vũ Hán.

Do không có chỉ thị chính xác từ trung ương, các thành phố và cơ quan chính quyền địa phương đã công bố hàng chục quy định về việc kiểm soát sự bùng phát trong kỳ nghỉ lễ.

Chú thích ảnh
Cảnh sát gác tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù gần đây Thượng Hải chưa ghi nhận bất cứ ca mắc bệnh trong cộng đồng mới nào song nhiều tòa nhà dân cư tại thành phố đã thắt chặt hạn chế ra vào đối với người giao hàng và thành lập các trạm kiểm soát ở bên ngoài các khu nhà.

Trong khi đó, Hà Bắc ban hành một loạt biện pháp cứng rắn, bao gồm lệnh cấm tổ chức hiếu hỉ. Tuy nhiên, tỉnh này cũng ra lệnh cho các quan chức cấp cơ sở kiềm chế các hình thức phong tỏa thái quá. Ngày 19/1, chính quyền tỉnh cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm phong tỏa các tuyến đường quốc lộ, dựng rào chắn hoặc đào rãnh sẽ bị trừng phạt.

“Tôi không chắc chúng ta có thể chê trách các quan chức địa phương vì họ đã quá thận trọng. Vấn đề thực sự là dường như chúng không thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra”, Giáo sư Yifei Li chuyên về chính sách sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York – Thượng Hải cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nghi vấn vaccine không phép làm bùng phát virus tả lợn châu Phi tại Trung Quốc
Nghi vấn vaccine không phép làm bùng phát virus tả lợn châu Phi tại Trung Quốc

Chủng virus tả lợn châu Phi mới tại các trang trại ở Trung Quốc nhiều khả năng bắt nguồn từ việc sử dụng vaccine không phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN