Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 100.201.733 ca, trong đó có 2.147.403 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 71.932.767 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.872.954 ca và 110.365 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 25/1, thế giới có tới 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm đôi chút.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Trong 24 giờ qua, tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ăn tập thể; khuyến khích người lao động tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh làm việc tại nhà.
Nhà chức trách xác định công tác phòng chống dịch đang trong thời kỳ then chốt. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần, với hàng trăm triệu người dự kiến sẽ về thăm nhà, chính quyền đang nỗ lực không để dịch bùng phát mạnh tại thủ đô Bắc Kinh. Đối với những người nhập cảnh, sau khi cách ly đủ 14 ngày tập trung, tiếp tục cách ly quan sát 7 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Trong khi đó, Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp dụng đối với khu vực nhà chung cư đông dân tại khu vực Jordan ở Kowloon sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 7.000 cư dân tại đây và phát hiện 13 ca nhiễm.
Lệnh phong tỏa được thực hiện 2 ngày trước do giới chức Hong Kong lo ngại đây có thể là ổ dịch. Tính đến nay vùng lãnh thổ này ghi nhận chỉ có hơn 10.000 ca nhiễm, trong đó có 170 ca tử vong. Chính quyền đặc khu này đã phê duyệt vaccine do Fosun-BioNTech phối hợp sản xuất, song chưa công bố kế hoạch tiêm chủng. Đây là loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đầu tiên được chấp thuận sử dụng tại vùng lãnh thổ này, trong khi Trung Quốc đại lục đã triển khai chương trình tiêm chủng từ tháng 7/2020.
Hàn Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 tới và đặt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 9 năm nay. Với tiến độ đề ra này, Hàn Quốc dự tính có thể đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 11/2021.
Theo kế hoạch, những nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện, viện điều dưỡng và viện dưỡng lão sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine trong quý I. Những người ngoài 65 tuổi và những người làm việc tại các cơ sở y tế khác sẽ được chủng ngừa trong quý II. Trong quý III, những người mắc bệnh mãn tính và người lớn từ 19 đến 64 tuổi sẽ được tiêm chủng.
Chương trình tiêm chủng sẽ được thực hiện tại 250 địa điểm khác nhau, bên cạnh khoảng 10.000 cơ sở y tế trên toàn quốc. KDCA cũng cho biết sẽ tiếp tục các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm virus và tăng số lượng xét nghiệm PCR lên tới 240.000 ca/ngày.
Tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội Y học nước này Toshio Nakagawa cho rằng rất khó để Nhật Bản tiếp đón người nước ngoài tới tham dự Olympic và Paralympic Tokyo trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cảnh báo hệ thống y tế đang sụp đổ ở nhiều khu vực do số ca nhiễm mới gia tăng, ông Nakagawa bày tỏ quan ngại số bệnh nhân COVID-19 sẽ tăng hơn nữa nếu Olympic Tokyo vẫn diễn ra theo kế hoạch. Hiện dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Nhật Bản bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành.
Chính phủ Australia thông báo sẽ tạm hoãn áp dụng miễn cách ly đối với những du khách New Zealand nhập cảnh vào nước này trong vòng 72 giờ do lo ngại về biến thể của virus phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức, theo đó tất cả người nhập cảnh Australia từ New Zealand trong 72 giờ tới sẽ phải cách ly bắt buộc, trong khi những người đã nhập cảnh từ ngày 14/1 sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính với COVID-19.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nhà chức trách New Zealand thông báo vừa xác định trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi, sau 2 tháng New Zealand không còn ca nhiễm nào trong cộng đồng.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận 19.290 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ ngày 3/11/2020. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 3.738.690 người nhiễm COVID-19. Số người khỏi bệnh tính đến sáng 25/1 là 19.003 người, nâng tổng số người khỏi bệnh lên là 3.150.763 người, chiếm 84,3% tổng số những người nhiễm bệnh.
Số ca tử vong do COVID-19 ở Nga trong ngày qua là 456 ca, đưa tổng số người tử vong lên 69.918 người. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tình hình dịch bệnh tại nước này đã ổn định cho phép có thể thận trọng loại bỏ các hạn chế đã áp đặt. Trong bối cảnh tình hình đã cải thiện ở Moskva, từ ngày 22/1 thành phố này đã dỡ bỏ một số hạn chế. Các bảo tàng, thư viện và các tổ chức văn hóa khác được hoạt động trở lại ở thủ đô, các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục bổ túc, trường thể thao và các cơ sở giải trí của trẻ em trở lại hoạt động bình thường.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ nước này đang xem xét thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới vì lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus có khả năng vô hiệu hóa vaccine phòng bệnh. Ông cũng cho biết Chính phủ Anh đang xem xét khả năng chỉ định các khách sạn để làm điểm cách ly có tính phí và duy trì thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho những nhóm có dễ chịu tổn thương trước ngày 15/2.
Số ca mắc bệnh tăng mạnh trong cả tháng 12/2020 khiến số ca nhập viện và tử vong tại Anh cũng tăng cao chưa từng có. Hiện số ca tử vong vì dịch bệnh tại Anh đã gần tới mức 100.000 ca. Dù số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm từ đầu tháng 1 nhưng Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cần phải giảm thêm nữa mới đủ an toàn.
Pháp ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh với 493 trường hợp, cao nhất kể từ giữa tháng 11/2020 đến nay, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong bệnh viện lên 26.393 người. Số bệnh nhân điều trị trong khu điều trị tích cực cũng tăng 69 trường hợp, lên 2.965 người. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, nước Pháp ghi nhận 18.436 ca mắc mới trong 24 giờ qua, thấp hơn so với 23.924 ca của ngày trước đó. Giới chuyên gia y tế nhận định nhiều khả năng Pháp sẽ thực thi lệnh phong tỏa thứ ba, sớm nhất vào kỳ nghỉ Đông, bắt đầu từ đầu tháng 2 tới.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết cơ quan này đang tăng cường nỗ lực theo dõi các biến thể của virus nhằm đảm bảo rằng vaccine và phương pháp điều trị luôn đi trước các biến thể mới của virus cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
CDC cũng đang phối hợp với Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) và Lầu Năm Góc để tăng cường giám sát và nghiên cứu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhằm đánh giá tác động của các biến thể đối với vaccine, cũng như các biện pháp điều trị.
CDC nhấn mạnh khi vaccine chưa thể tạo ra miễn dịch cộng đồng, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn số lượng virus lây lan, qua đó giúp giảm số biến thể mà virus có thể tạo ra.
Khoảng 1 năm sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, số người Mỹ được xác nhận mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tới 25.826.177 triệu ca bệnh, với 431.038 người tử vong.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.241 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 42.300 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 9.994 ca COVID-19 và 297 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 999.256 ca và 28.132 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 50 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây.
Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.048 ca bệnh mới, 11 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 tiếp tục đà giảm, đồng thời ghi nhận thêm 7 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 25/1, Myanmar có tổng cộng 137.957 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 3.069 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 25/1 cũng phát sinh 2 ca tử vong vì đại dịch.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 42.324 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 367 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.914.390 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.623.932 trường hợp.
Đáng chú ý, Lào sau nhiều ngày “bình yên” trong ngày 25/1 cũng ghi nhận 3 ca COVID-19.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Brunei và Campuchia là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 20/1.