Trong năm 2021, những đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra khiến 25 triệu trẻ em mất cơ hội tiêm liều vaccine ngừa bệnh sởi đầu tiên. Khoảng 14,7 triệu trẻ em khác rơi vào tình cảnh không được tiêm liều vaccine thứ hai. Đây được coi là bước lùi trong nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh sởi.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vaccine ngừa COVID-19 được phát triển thời gian ngắn kỉ lục và đi kèm đó là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Nhưng các chương trình tiêm ngừa khác bị đã bị đứt gãy nghiêm trọng, khiến hàng triệu trẻ em lỡ cơ hội tiêm chủng chống lại các bệnh dịch chết người như bệnh sởi.
“Đưa các chương trình tiêm chủng trở lại quỹ đạo bình thường là điều đặc biệt quan trọng. Đằng sau mỗi con số trong báo cáo này chính là việc trẻ em đứng trước nguy cơ mắc căn bệnh mà hoàn toàn có thể ngăn chặn được”, người đứng đầu WHO nhìn nhận.
Tính trên toàn cầu, có khoảng 9 triệu ca mắc bệnh sởi trong năm 2021, với 128.000 trường hợp tử vong. Có 22 nước phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch sởi lớn và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2022 ở một số nước.
Báo cáo do WHO và CDC đồng soạn thảo cho rằng suy giảm độ bao phủ vaccine, biện pháp giám sát dịch suy yếu cùng với đứt gãy và trì hoãn tiêm chủng do đại dịch COVID-19 khiến bệnh sởi là mối đe dọa hiện hữu đối với tất cả các khu vực trên thế giới.
Để đạt được mức miễn dịch cộng đồng trước bệnh sởi, độ che phủ vaccine hai liều cần phải đạt mức từ 95% trở lên. Tuy nhiên, độ che phủ này trên phạm vi toàn cầu hiện rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Mới có khoảng 81% trẻ em được tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh sởi, 71% tiêm đủ hai liều vaccine.