Báo cáo cho biết nhiều trẻ ở các nước đang phát triển đã không được tiêm phòng sởi trong năm 2020 do chương trình tiêm chủng bị gián đoạn bởi tác động của đại dịch COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tháng 10 vừa qua dự báo rằng, 94 triệu trẻ em ở 26 quốc gia và khu vực trên thế giới đã không được tiêm phòng sởi theo như kế hoạch. Bên cạnh đó, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, làm tăng tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng vốn là điều kiện khiến tình trạng lây lan sởi trở nên nghiêm trọng hơn.
Tác giả đứng đầu báo cáo, Giáo sư Kim Mulholland, Chủ tịch Nhóm làm việc SAGE về bệnh sởi và rubella (SAGE) thuộc WHO nêu rõ: "Những yếu tố này tạo điều kiện để dịch sởi bùng phát nghiêm trọng trong năm 2021, với tỉ lệ tử vong cao và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trẻ em tử vong do sởi thường là trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, dịch sởi nghiêm trọng đẩy nhiều trẻ sống sót vào tình trạng suy dinh dưỡng".
Tình trạng suy dinh dưỡng cùng với hệ thống miễn dịch bị suy giảm do bệnh sởi có thể dẫn tới cái chết từ từ. Trong khi việc thiếu vitamin A xảy ra đồng thời có thể dẫn tới tình trạng mù lòa có liên quan tới bệnh sởi.
Theo số liệu của WHO, có 9,8 triệu người mắc sởi và 207.000 người tử vong trong năm 2019, mức tăng cao nhất trong 20 năm qua. Giáo sư Mulholland cho biết thực trạng này vẫn xảy ra mặc dù tiêm phòng sởi là một giải pháp rẻ tiền và mang lại hiệu quả.
Giáo sư Mullolland xác định 3 biện pháp chính cần triển khai để giảm thiểu tác động của dịch sởi có nguy cơ bùng phát. Đó là tăng cường chiến dịch tiêm phòng sởi cho trẻ chưa được tiêm chủng, các nước cần có sự chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh bùng phát và duy trì mục tiêu loại bỏ đồng thời bệnh sởi và rubella. Giáo sư Mullolland nhấn mạnh nếu không có các nỗ lực phối hợp, số bệnh nhân sởi sẽ gia tăng và trở nên nghiêm trọng trong những năm tới, thường là gây ra tử vong và biến chứng.