EC tăng quỹ để giải quyết khủng hoảng di cư

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tăng thêm 1,7 tỷ euro (1,9 tỷ USD) để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến nay.


Cao ủy châu Âu về di cư, nội vụ và vấn đề công dân Dimitris Avramopoulos (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga tại cuộc họp EU ở Brussels, Bỉ ngày 22/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Đề xuất trên được được ra ngày 23/9, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề di cư tại Brussels (Bỉ). Đồng thời, EC cũng cảnh báo 19 nước thành viên sẽ phải đối mặt với án phạt nếu vi phạm những quy định nội khối về người tị nạn.

Phát biểu tại họp báo trước khi bước vào Hội nghị, Ủy viên châu Âu về ngân sách Kristalina Georgieva cho biết quỹ này sẽ được sử dụng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) nhằm khẩn cấp cải thiện cơ sở hạ tầng tiếp nhận người di cư, cũng như hỗ trợ cho những nước đang "nặng gánh" nhất trong làn sóng người di cư đổ về.

Số tiền trên cũng được dùng để hỗ trợ cả người di cư ngoài EU, trước hết thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), cùng các tổ chức nhân đạo khác đang hoạt động tại Syria và Iraq.

Cũng tại Brussels, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố một trong những nguyên nhân khiến người tị nạn đổ xô đến châu Âu chính là quỹ dành cho các trại tị nạn tại Trung Đông, nơi tập trung đông người từ Syria đến nhất, đã bị cắt giảm.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, EC cảnh báo 19 nước thành viên EU, trong đó có cả Pháp và Đức, đang đối mặt với nguy cơ bị phạt do vi phạm quy định về người tìm kiếm quy chế tị nạn tại châu Âu.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans nhấn mạnh, hệ thống tị nạn hiện nay trong khối chỉ có thể hoạt động khi các nước thành viên tôn trọng những quy định của nó. Ông Timmermans cho rằng đã đến lúc các nước phải tích cực hơn và "làm những việc cần làm".

Hồi tháng 7 vừa qua, 28 nước thành viên EU đã hoàn tất một hệ thống quy định chung bao gồm quy định đón tiếp, đăng ký, đối xử và các quyền của người tìm kiếm quy chế tị nạn trong khi chờ đợi quy chế. Song làn sóng hàng trăm nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi trong những tháng gần đây đã làm quá tải hệ thống và làm nảy sinh nhiều khác biệt giữa các nước thành viên EU.

Phó chủ tịch Timmermans cho biết, EU đã gửi thêm 40 thư phê bình và cảnh cáo, nâng tổng số thư lên 75, đến các nước vi phạm, trong đó có Hy Lạp, Italy và Hungary. Lãnh đạo EC thông báo mới chỉ có 5 nước trong khối luật hóa các quy định của EU và kêu gọi các nước còn lại nhanh chóng tiến hành việc này nhằm đảm bảo khôi phục lại sự tin cậy lẫn nhau trong khu vực đi lại tự do Schengen.

Sau khi đạt thỏa thuận tái phân bổ 120.000 người tị nạn, ngày 23/9 tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Brussels, lãnh đạo các nước EU sẽ tập trung thảo luận các bước đi tiếp theo như củng cố biên giới nội khối và cung cấp thêm tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Liban và các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ).

TTXVN/Tin Tức
Khoảng 450.000 người di cư sẽ hưởng quy chế tị nạn lâu dài
Khoảng 450.000 người di cư sẽ hưởng quy chế tị nạn lâu dài

Truyền thông Đức ngày 22/9 dẫn kết quả nghiên cứu vừa công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay khoảng 450.000 người trong số hàng trăm nghìn di cư đến châu Âu hiện nay sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN