Đức: Phối hợp hai vaccine Pfizer và AstraZeneca có thể tạo miễn dịch mạnh hơn

Một nghiên cứu của Đức gần đây cho thấy việc sử dụng phối hợp vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với việc sử dụng 2 mũi của cùng một loại.

Chú thích ảnh
Kết quả sơ bộ nghiên cứu tại Đức cho thấy phối hợp hai loại vaccine phòng COVID-19 khiến người tiêm tạo được kháng thể mạnh hơn. Ảnh: DW

Kênh DW (Đức) ngày 10/6 đưa tin các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland đã thực hiện nghiên cứu và rút ra được kết luận trên. Theo đó, nhũng người tiêm mũi đầu là AstraZeneca và mũi thứ hai là Pfizer-BioNTech sẽ có hệ miễn dịch mạnh hơn trước virus SARS-CoV-2 so với những người tiêm 2 mũi vaccine cùng loại.

Vậy liệu điều này có phải là dấu hiệu cho thấy đã tới thời điểm thay đổi phương thức tiêm vaccine COVID-19? Câu trả lời là chưa hẳn.

Đội ngũ nghiên cứu tại trường Đại học Saarland mới chỉ đưa ra đánh giá sơ bộ và chưa có nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Họ nhấn mạnh trước khi công bố kết quả nghiên cứu cuối cùng, sẽ xem xét kỹ yếu tố độ tuổi và giới tính của bệnh nhân cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.

Tuy chưa có đánh giá dữ liệu đầy đủ nhưng đội nghiên cứu vẫn bất ngờ về kết quả thu được khá rõ ràng. Giáo sư Martina Sester tại Đại học Saarland nhấn mạnh: “Đó là lý do chúng tôi muốn chia sẻ ngay kết quả mà không đợi quá trình đánh giá khoa học được hoàn thiện”.

Có 250 người đã tham gia vào thử nghiệm thực hiện tại bệnh viện của Đại học Saarland. Họ được chia làm 3 nhóm, một nhóm chỉ tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, một nhóm tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech và nhóm còn lại tiêm mũi đầu AstraZeneca sau đó tiêm Pfizer-BioNTech.

Sau đó các nhà nghiên cứu so sánh phản ứng miễn dịch của người tiêm vaccine 2 tuần khi tiêm mũi thứ 2. Họ không chỉ xem xét số lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 mà còn cả tính hiệu quả của các kháng thể trung hòa trong cơ thể bởi điều này sẽ phản ánh khả năng kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào cơ thể.

Kết quả sơ bộ cho thấy nhóm tiêm phối hợp hai loại vaccine sản sinh kháng thể gấp 10 lần những người tiêm 2 liều AstraZeneca. Về số lượng kháng thể trung hòa, kết quả ban đầu là nhóm tiêm phối hợp có tỷ lệ “cao hơn một chút" so với nhóm tiêm 2 liều Pfizer-BioNTech.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 tại Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images

Một nghiên cứu tương tự được thực hiện tại Tây Ban Nha và kết quả sơ bộ đã được đăng trên tạp chí khoa học Nature. Các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Carlos III ở Madrid cho biết 2/3 trong số 663 người tham gia được tiêm AstraZeneca sau đó là một mũi Pfizer-BioNTech. Những người này có kháng thể khá cao với virus SARS-CoV-2 sau mũi tiêm thứ hai.

AstraZeneca và Pfizer-BioNTech được sản xuất với công nghệ khác nhau. AstraZeneca là vaccine vector truyền thống sử dụng phiên bản vô hại của virus khác “đưa chỉ dẫn” đến tế bào con người để hình thành kháng thể chống virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Pfizer-BioNTech ứng dụng công nghệ mRNA. Công nghệ mRNA được sử dụng để “hướng dẫn” tế bào tạo bản sao khỏe mạnh của một protein. Như vậy, vaccine công nghệ mRNA có cơ chế hoạt động là khiến tế bào tạo ra thứ được coi như một mảnh của virus để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể.

Giáo sư Sester nhận xét: “Nên cân nhắc nghiêm túc việc phối hợp vaccine vector và vaccine công nghệ công nghệ mRNA”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc nhận định mối đe dọa lớn nhất với Mỹ
Trung Quốc nhận định mối đe dọa lớn nhất với Mỹ

Trung Quốc đã phản đối đạo luật mới được quốc hội Mỹ thông qua ngày 8/6 và cho rằng đối thủ lớn nhất của Washington là chính bản thân quốc gia này chứ không phải Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN