Đức đẩy mạnh ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép người di cư

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức ngày 27/9 thông báo cảnh sát sẽ tăng cường tuần tra dọc "các tuyến đường đưa lậu" người di cư ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc trong nỗ lực kiềm chế dòng người di cư tiếp tục tìm đến nước này.

Chú thích ảnh
Người di cư dựng trại tạm ở Belarus, giáp giới với Ba Lan ngày 14/11/2021. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, hoạt động tuần tra của cảnh sát ở khu vực biên giới với Ba Lan và Cộng hoà Séc sẽ được tiến hành ngay lập tức. Bà Faeser không cho biết số cảnh sát sẽ được triển khai, song nói rằng Đức sẽ không thiết lập các điểm kiểm soát biên giới cố định như đã từng thực hiện ở biên giới với Áo kể từ năm 2015.

Theo quy định trong khu vực tự do đi lại Schengen, một quốc gia thành viên sẽ phải thông báo trước cho Uỷ ban châu Âu nếu thực hiện biện pháp kiểm soát như vậy. Thông báo trên được người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức đưa ra chỉ một ngày sau khi cảnh sát Đức tiến hành kiểm tra và phát hiện hơn 100 người Syria bên trong các căn hộ có liên quan đến một đường dây đưa lậu người vào Đức.

Ngay sau thông báo của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thông báo trên nền tảng X (Twitter) rằng, ông sẽ hỗ trợ việc tăng cường kiểm soát biên giới với việc bổ sung thêm các nhân viên hải quan. Bộ trưởng Lindner nêu rõ: "Các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được tăng cường để ngăn chặn nạn đưa lậu người di cư bất hợp pháp. Để đảm bảo công tác được nhanh chóng thành công, tôi quyết định sẽ hỗ trợ nhiệm vụ cấp bách này với 500 nhân viên hải quan".

Bộ trưởng Nội vụ Faeser cho biết, các biện pháp kiểm soát biên giới mới của Đức sẽ diễn ra với sự hợp tác chặt chẽ với giới chức Ba Lan và Cộng hòa Séc, đồng thời sẽ bổ sung việc tuần tra của cảnh sát cơ động vốn thực hiện kiểm tra ô tô qua biên giới hoặc những người tìm cách đi bộ vào Đức. Bà nhấn mạnh, cần phải ngăn chặn các "hoạt động kinh doanh tàn ác" của những kẻ buôn lậu coi thường tính mạng người khác vì những lợi nhuận béo bở. Bộ trưởng Faeser cũng cho hay, khoảng 1/4 số người di cư đến Đức là thông qua những đối tượng đưa lậu người qua các tuyến đường nguy hiểm xuyên Địa Trung Hải và xuyên qua các khu rừng dọc theo tuyến đường Balkan và họ thường phải trả hàng nghìn USD cho các đường dây đưa người. Theo bà, để giảm đáng kể tình trạng di cư bất hợp pháp vẫn cần có một hệ thống tị nạn chung của châu Âu, trong đó biên giới ngoài của EU phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.

Nhiều người di cư từ các quốc gia như Syria, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và những nước khác đã tìm cách đến Đức để xin tị nạn. Các thành phố và cộng đồng trên khắp nước Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng người đến nước này ngày càng tăng, khiến các địa phương không thể đáp ứng được nơi ở cũng như các trường học cho những người di cư. Trong 8 tháng đầu năm 2023, giới chức Đức đã ghi nhận trên 220.000 trường hợp nộp đơn xin tị nạn ở Đức, gần bằng con số của cả năm 2022 là 240.000 người. Thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn những năm 2015-2016 đã có trên 1 triệu người tị nạn tới Đức. Ngoài người tị nạn, Đức còn tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraine chạy sang lánh nạn cuộc xung đột hiện nay.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Mexico tạm dừng dịch vụ đường sắt để ngăn dòng người di cư
Mexico tạm dừng dịch vụ đường sắt để ngăn dòng người di cư

Công ty đường sắt lớn nhất Mexico là Ferromex cho biết đã đình chỉ hoạt động vận chuyển hàng hóa trên một số tuyến tàu đi về hướng Bắc nhằm đảm bảo an toàn cho người di cư cũng như hành khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN