Dịch COVID-19 làm bùng nổ mô hình nhà kính công nghệ cao tại Trung Quốc

Tại đảo Sùng Minh nằm ngay ngoài khơi Thượng Hải, nhiều lao động cần mẫn thu hoạch và đóng gói cà chua, dưa chuột trong một nhà kính do công ty Hà Lan FoodVentures vận hành.

Chú thích ảnh
Thu hoạch dưa chuột trong nhà kính ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết nhà kính tại đảo Sùng Minh chỉ là một trong hàng chục cơ sở tương tự mọc lên ở ngoại ô Thượng Hải sử dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý tưới tiêu, nhiệt độ và ánh sáng để trồng rau quả.

Giám đốc của FoodVentures-ông Dirk Aleven phân tích: “Đang tồn tại xu hướng nguồn cung chuyên nghiệp và bền vững hơn. Chúng tôi nhận thấy xu hướng này tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều ngày càng quan trọng hiện nay là các sản phẩm tươi sản xuất tại nơi chúng được tiêu thụ. Trước đây, những mặt hàng này phải được vận chuyển hàng nghìn km để tiêu thụ, ngay cả khi chỉ trong lãnh thổ Trung Quốc”.

Đến nay Trung Quốc là nhà sản xuất rau lớn nhất thế giới, nước này cũng sử dụng công nghệ nhà kính trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, nguồn cung bị gián đoạn do quá trình cách ly phong tỏa vì dịch COVID-19 trong năm 2020.

Để tránh tình trạng tương tự lặp lại trong tương lai, các chính quyền địa phương chủ trương xây dựng nơi dự trữ lương thực thiết yếu đồng thời phát triển cơ sở phân phối và vận chuyển. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua thực phẩm tươi ngon với dư lượng thuốc trừ sâu thấp.

Ông Lim Xin Yi tại sàn mua bán điện tử lớn nhất Trung Quốc Pinduoduo chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng kể từ dịch COVID-19 là các khách hàng mua nhiều thực phẩm qua mạng hơn và họ chi nhiều tiền cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc thuộc thương hiệu đáng tin cậy”.

Ông Aleven bổ sung: “Khỏe mạnh là tiêu chí hàng đầu chống lại virus vì vậy khách hàng ngày càng quan đếm thực phẩm họ tiêu thụ. Thứ hai, chúng tôi muốn loại bỏ quá trình vận chuyển đường dài bởi không thể chắc chắn nó luôn hoạt động, đặc biệt trong thời gian có dịch COVID-19. Việc chuyển về trong nội bộ địa phương là câu trả lời duy nhất hiện nay”.

Từ đây, các cơ sở nhà kính công nghệ cao bắt đầu lên ngôi.

Chú thích ảnh
Theo công ty tư vấn Mỹ Richland Sources, các khu vực chuyển thành nhà kính đã tăng 28% trong năm 2020, tăng 5,9% so với năm 2019. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Nhà kính phủ ni lông giúp bảo vệ cây trồng nhưng được cho không hiệu quả bằng nhà kính dùng kính. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Với diện tích tương đương 3 sân bóng đá và cao 2 tầng, nhà kính của FoodVentures có thể sản xuất tới 120 tấn cà chua bi mỗi tháng. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Nông sản trồng trong nhà kính thường được bán trực tiếp cho siêu thị hoặc các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Cà chua được trồng trong nhà kính ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Việc xây dựng nhà kính trong thành phố giúp giảm khoảng cách của nông sản đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Reuters

Trong thời gian tới, hình thức trồng trọt trong nhà kính sẽ ngày càng phát triển ở các thành phố Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh hướng tới đến năm 2025 gấp đôi số đất nông nghiệp dành cho “các cơ sở công nghệ cao”. Xu hướng này sẽ càng củng cố vị trí của Trung Quốc là nhà sản xuất rau quả hàng đầu thế giới. Hiện nay, 75% nguồn cung dưa chuột, đậu xanh, rau cải bó xôi và măng tây là từ Trung Quốc.

Ông Xu Dan, CEO của doanh nghiệp chuyên về vận hành nhà kính ở Bắc Kinh có tên HortiPolaris nhận xét: “Thách thức lớn nhất hiện nay là nhân sự, những người có kiến thức để vận hành nhà kính sản xuất ra quả chất lượng. Hầu hết các nông dân đều đã có tuổi và cách canh tác của họ cũng đã lỗi thời”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Bị cấm trữ đông, phụ nữ Singapore tìm ra nước ngoài bảo quản trứng
Bị cấm trữ đông, phụ nữ Singapore tìm ra nước ngoài bảo quản trứng

Ngày càng có nhiều phụ nữ tại Singapore ra nước ngoài để tìm đến phương pháp đông lạnh trứng do họ muốn trì hoãn việc sinh con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN