Cưỡi trâu tuần tra - nét độc đáo của cảnh sát Brazil

Nguồn gốc sâu xa của ý tưởng cưỡi trâu đi tuần tra tại hòn đảo nhiệt đới Brazil là đảm bảo an ninh và duy trì nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.

Chú thích ảnh
Quân cảnh cưỡi trâu trên hòn đảo Marajo (Brazil). Ảnh: Fernando Sette/CATERS NEWS

Truyền thuyết kể lại rằng, sau một vụ đắm tàu trên đường tới Guiana (Pháp), những con trâu nước có nguồn gốc từ châu Á đã trôi dạt vào hòn đảo Marajó (Brazil). Nhờ khí hậu nhiệt đới, Marajó đã trở thành môi trường lý tưởng để loài trâu nước sinh sôi. 

Hiện tại, số lượng trâu nước trên hòn đảo Marajó là khoảng 450.000 con – nhiều hơn cả số dân sinh sống tại đây. 

Nhiều hoạt động cuộc sống thường nhật tại hòn đảo Marajó xoay quanh những chú trâu nước, từ những miếng thịt trâu hun khói thơm phức, sữa trâu bổ dưỡng cho đến những chiến binh cừ khôi trong các lễ hội đua trâu. 

Thiếu tá Francisco Nóbrega (41 tuổi) – một sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 8 quân cảnh bang Pará – nói: “Tầm quan trọng của loài trâu tại Marajó khiến chúng tôi chợt nảy ra ý tưởng tại sao không cưỡi trâu tuần tra”. Nung nấu ý tưởng độc đáo trên, một trong những thử nghiệm chưa từng thấy ở Brazil đã diễn ra. 

Từ hàng nghìn năm nay, loài trâu nước đã được thuần hóa, được mệnh danh là “cỗ máy kéo của phương Đông” nhờ đóng vai trò lớn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 8 ở đây đã ấp ủ kế hoạch tạo thêm vai trò lớn lao hơn cho con vật vốn là biểu tượng cho ngành nông nghiệp lúa nước. 

Đây là đơn vị cảnh sát duy nhất trên thế giới sử dụng trâu thay ngựa để tuần tra. Cứ đến ngày 7/9 hàng năm, tiểu đoàn thậm chí còn đưa những con trâu đã được huấn luyện lên một con tàu đến Belém, thủ phủ của Pará để tham gia diễu hành kỷ niệm ngày Độc lập của đất nước. 

Chú thích ảnh
Quân cảnh cưỡi trâu trên hòn đảo Marajo (Brazil). Ảnh: Fernando Sette/CATERS NEWS

Đơn vị trâu bắt đầu hoạt động vào những năm 1990. Nhiệm vụ ban đầu của đơn vị này chỉ là tuần tra thị trấn Soure, nơi sinh sống của khoảng 23.000 dân cư. Trong một vài năm trở lại đây, nhiệm vụ của lực lượng này đã mở rộng, bao gồm việc truy bắt những kẻ tình nghi ẩn náu trong các khu rừng rậm hoang vu của Marajó hay xua đuổi những con trâu hoang đe dọa cuộc sống của người dân. 

José Ribamar Marques, một quan chức tại Marajó làm việc cho Embrapa (công ty nghiên cứu chăn nuôi và nông nghiệp ở Brazil), cho biết: “Trâu nước là những vận động viên bơi lội vượt trội, giỏi hơn chó và nhanh nhẹn hơn ngựa. Con vật cũng rất ngoan ngoãn, dễ dàng tiếp xúc với con người”. 

Quả thực, những chú trâu tại Marajó cũng có những lợi thế nhất định. Bộ móng guốc to lớn và vững chắc cho phép chúng di chuyển một cách dễ dàng qua các đầm lầy. Chúng dường như cũng có sức chịu đựng tốt với cái nóng khủng khiếp tại Marajó – một nơi nằm trên vùng Xích đạo. 

Bên cạnh lợi thế về ngoại hình giúp hoạt động tuần tra dễ dàng hơn, một lợi ích khác trong việc sử dụng trâu nước tuần tra là giúp cảnh sát tạo được hình ảnh thân thiện với người dân. 

Chú thích ảnh
Một con trâu nước được tắm rửa sau một ngày tuần tra tại Soure tháng 6/2015. Ảnh: The New York Times

Claudio Vitelli (45 tuổi) - một cảnh sát đảm trách cưỡi trâu tuần tra – chia sẻ: “Trên hòn đảo này, người dân đều biết nhau. Tôi đã từng phải bắt một người chú của mình vì một tội danh nhỏ, và trước đó là một người anh họ. Việc ngồi trên một con trâu giúp tôi dễ tiếp cận hơn, làm công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn một chút”. 

Với bộ quân phục truyền thống cùng các biện pháp trị an nặng nề, hình ảnh quân cảnh tại Brazil không gây được thiện cảm từ người dân. Đặc biệt, vào năm 2011, sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông ở São Sebastião da Boa Vista - một thị trấn nhỏ thuộc Marajó, người dân đã bùng cơn giận, chiếm đóng nhà tù địa phương, giải thoát phạm nhân và đốt đồn cảnh sát. Tại thị trấn Soure - nơi Tiểu đoàn 8 hoạt động với khoảng 10 con trâu, các cảnh sát cho rằng việc tuần tra bằng con vật này có thể xoa dịu căng thẳng với người dân. 

Thử nghiệm của Tiểu đoàn 8 đã thu hút được sự quan tâm của những đơn vị khác trên cả nước. Các binh sĩ trong Tiểu đoàn 8 cho biết họ sẵn sàng truyền đạt cho các đơn vị tuần tra khác về kinh nghiệm sử dụng trâu nước châu Á thay thế ngựa, đặc biệt là trong môi trường rừng ẩm nhiệt đới. 

“Brazil là một quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải tìm ra các giải pháp cho những thách thức mà khí hậu gây ra. Bạn bè trêu chọc tôi, nói rằng một con trâu tốt chỉ để lấy thịt, nhưng đó là một quan điểm thiếu hiểu biết. Hãy nhìn những gì khi mọi người bắt đầu cưỡi chúng thay vì ăn thịt. Tuần tra bằng trâu có thể là khởi đầu cho sự thay đổi to lớn ”, ông Emerson Cassiano (42 tuổi), một cảnh sát trong đơn vị trâu tuần tra, cho hay. 

“Ít ai biết loài trâu trên hòn đảo của chúng tôi có tầm quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, cảnh sát khu vực đang tìm cách nâng cao nhận thức của mọi người về loài động vật này”, anh Antenor Penant (30 tuổi), quản lý một xưởng da thuộc ở Marajó, chia sẻ. Fernando Camara, một nhiếp ảnh gia người Mỹ đến đảo Marajó du lịch đã cảm thấy thu hút bởi hình ảnh lạ lẫm của cảnh sát tại đây. Anh nói: “Hình ảnh cảnh sát cưỡi trâu đã trở thành một hoạt động thu hút khách du lịch. Nhưng nguồn gốc sâu xa của ý tưởng này là nâng cao an ninh và duy trì nét đẹp văn hóa của người dân địa phương”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Trâu chọi tiến thoái lưỡng nan
Trâu chọi tiến thoái lưỡng nan

Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) được tổ chức thường niên vào 2 ngày 16 - 17 tháng Giêng hàng năm nhưng do dịch COVID -19 nên năm 2020 đã phải tạm dừng, tuy vậy, 20 “ông Cầu” vẫn được các chủ trâu huấn luyện, chăm sóc chu đáo để chờ đến lễ hội chọi trâu năm Tân Sửu 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN