Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới Rome dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Bắc Kinh chưa thông báo cho ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (Nhóm G20) về việc ông Tập Cận Bình có trực tiếp dự sự kiện này hay không. Nhưng giới phái viên Trung Quốc nói rằng các biện pháp về phòng chống COVID-19 là nhân tố khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không tới Rome dự hội nghị.

Chú thích ảnh
Ông Tập Cận Bình chưa thực hiện bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào kể từ thời điểm giữa tháng 1/2020 tới nay. Ảnh: DPA

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 6/10 dẫn nguồn thạo tin ẩn danh cho biết giới ngoại giao Trung Quốc đã thông báo cho quan chức các nước Nhóm G20 về việc Chủ tịch Tập Cận Bình không có kế hoạch tham dự trực tiếp kỳ hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Rome, Italy trong tháng này.

Thông tin này được phía Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị Quan chức cao cấp (Sherpa) Nhóm G20 được tổ chức tại thành phố Florence, Italy, hồi tháng trước. Đại diện Trung Quốc nêu quy định phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, bao gồm điều khoản cách ly bắt buộc với người từ nước ngoài trở về, là lý do khiến ông Tập không tới Rome dự kỳ thượng đỉnh lần này.

Nguồn tin cho biết Trung Quốc và các bên chưa có bất kỳ trao đổi mới nào liên quan đến vấn đề này kể từ sau cuộc gặp tại Florence. Italy, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, hiện cũng chưa nhận được phản ứng chính thức từ Bắc Kinh. Trung Quốc thường công bố kế hoạch công du nước ngoài của Chủ tịch Tập Cận Bình vào phút chót. Vì thế, quyết định cuối cùng sẽ chỉ được công bố sát ngày 30/10 – thời điểm khai mạc hội nghị G20.

Ông Tập Cận Bình đã không thực hiện bất kỳ chuyến thăm, hoạt động ngoại giao nào ở nước ngoài kể từ giữa tháng 1/2021. Ông là nhà lãnh đạo G20 có thời hạn ở trong nước nhiều nhất kể từ khi nổ ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn dự các kỳ hội nghị theo hình thức trực tuyến, nội bật là hội nghị Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 13 trong tháng 9. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tiến hành điện đàm với hàng chục lãnh đạo thế giới.

Hội nghị G20 năm nay diễn ra tại thời điểm đặc biệt quan trọng trong quan hệ quốc tế, với một loạt những chủ đề nóng được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự, từ biến đổi khí hậu cho đến nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Kế đó là việc kinh tế toàn cầu đang gặp phải một loạt thách thức sau đà phục hồi mong manh từ đại dịch, thiếu hụt đủ thứ - từ lao động cho tới chip bán dẫn và mới nhất là các mặt hàng năng lượng. Quan điểm của Trung Quốc trong những vấn đề này có sức nặng lớn. Vì thế, giới ngoại giao cho rằng việc ông Tập không có mặt tại Rome sẽ khiến tìm kiếm, thống nhất những thỏa thuận lớn gặp khó khăn hơn.

Các kỳ thượng đỉnh cũng là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới xúc tiến các cuộc gặp bên lề. Thông thường, những trao đổi song phương này sẽ rất hiệu quả để xử lý bất đồng, khác biệt quan điểm. Quan hệ Mỹ-Trung có xu hướng leo thang căng thẳng, trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ, cho tới hồ sơ nhân quyền, cách hành xử của Trung Quốc ở châu Á. Cơ hội để ông Biden và Tập Cận Bình gặp thượng đỉnh bên lề G20 sẽ không còn một khi nhà lãnh đạo Trung Quốc không tới Rome.

Ngay sau hội nghị G20 sẽ là Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), diễn ra vào đầu tháng 11 tại Glasgow, Anh. Đây là dịp để lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên, đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050 cũng như thiết lập các quỹ trị giá hàng chục tỉ USD để trợ giúp các nước đang phát triển thực hiện chuyển đổi xanh.

Là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc được coi là nhân tố then chốt để hoàn tất một thỏa thuận cấp độ toàn cầu. Giới chức ngoại giao châu Âu cho rằng một khi bỏ qua hội nghị ở Rome, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như chắc chắn không tham dự trực tiếp COP26.

Chính phủ Italy, Đại sứ quán Trung Quốc tại London và Rome không phản hồi trước yêu cầu của báo giới, đề nghị cho biết phản ứng về những thông tin trên.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Mỹ thúc đẩy G20 đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu
Mỹ thúc đẩy G20 đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu

Ngày 28/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt được đồng thuận chính trị về một mức sàn chung cho thuế doanh nghiệp áp dụng trên phạm vi toàn cầu, đồng thời không loại trừ khả năng về mức thuế cao hơn 15%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN