Cảnh sát tuần tra tại Nhà ga Hendaye, tây nam nước Pháp sau các vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nội dung đe dọa không được công bố chi tiết, song theo tin trên kênh truyền hình SVT, bức thư đe dọa Quốc hội Thụy Điển cảnh báo các nghị sĩ không được đến trụ sở vào ngày 17/11. Thông tin này cũng được người phát ngôn của Cơ quan tình báo Thụy Điển Fredrik Milder xác nhận. Nhà chức trách nước này khẳng định các cơ quan tình báo Thụy Điển sẽ điều tra và xác định danh tính của các đối tượng gửi lời hăm dọa, cũng như tính xác thực của những lời lẽ này.
Anh tăng quỹ chống ISLiên quan đến các hoạt động chống IS đặc biệt sau vụ tấn công đẫm máu tại Pháp ngày 13/11 vừa qua, phóng viên TTXVN tại London đưa tin, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 16/11 tuyên bố chính phủ nước này sẽ bổ sung 2 tỷ bảng Anh (3,04 tỷ USD) cho ngân sách quân sự để tăng cường các nỗ lực chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong bài phát biểu thường niên về chính sách quốc phòng của Anh, Thủ tướng Cameron nêu rõ khoản tiền nói trên nằm trong quyết định duy trì chi tiêu quân sự tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - theo đúng mục tiêu mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra. Đây là khoản tiền được chi cho các lực lượng đặc biệt, các phi đội máy bay do thám không người lái và máy bay chiến đấu. Chiến lược chi tiêu mới này, trong đó chú trọng cả việc đào tạo các chuyên gia vô hiệu hóa các cuộc tấn công mạng, được coi là một sự thay đổi lớn so với chiến lược quốc phòng gần đây nhất công bố hồi năm 2010, khi mà các kế hoạch đóng mới hai tàu sân bay bị giới chuyên gia đánh giá là không hiệu quả trong việc đối phó với các hiểm họa khủng bố đang nổi lên.
Cũng trong bài phát biểu trên, nhà lãnh đạo Anh còn thông báo về việc điều chỉnh lớn trong ngân sách viện trợ, theo đó một nửa trong khoản 12 tỷ bảng (18,23 tỷ USD) viện trợ hải ngoại của nước này sẽ được dành cho những quốc gia bất ổn nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị biến thành “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa khủng bố hoành hành. Đây là bài phát biểu được Thủ tướng Cameron đưa ra sau khi vừa trở về từ Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Thổ Nhĩ Kỳ, mà bao trùm trong đó là chủ đề về các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại thủ đô Paris của Pháp đêm 13/11 vừa qua, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Trước thềm buổi công bố báo cáo tổng kết về chiến lược quốc phòng dự kiến vào đầu tuần tới, Thủ tướng Cameron cũng có bài phát biểu nhấn mạnh London phải có khả năng ứng phó "nhanh nhạy, linh hoạt và hào phóng" với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Pháp điều tàu sân bay tăng cường chiến dịch chống IS ở SyriaCũng trong ngày 16/11, phát biểu tại phiên họp khẩn của Quốc hội Pháp, Tổng thống Francois Hollande cho biết tàu sân bay Charles de Gaulle chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này sẽ rời cảng vào ngày 19/11 tới để tăng cường sức mạnh quân sự của Pháp trong chiến dịch chống IS ở Syria.
Tàu sân bay Charles de Gaulle thường được một tàu ngầm tấn công, một số khinh hạm và một tàu tiếp liệu hộ tống.
* Trong bối cảnh xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris vừa qua, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka thông báo CH Séc sẽ tăng cường thắt chặt an ninh trên khắp các tuyến phố tại thủ đô Praha trong ngày 17/11. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Séc còn tuyên bố nước này sẽ tăng cường giám sát khu vực biên giới phía Đông giáp Slovakia. Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Na Uy tuyên bố do quan ngại nguy cơ các tay súng cực đoan thực hiện các vụ khủng bố như vừa qua tại Paris, nên nước này quyết định tạm dừng lệnh không mang súng khi làm nhiệm vụ của khoảng 6.000 cảnh sát lẽ ra có hiệu lực kể từ tuần này. Theo đó, các cảnh sát này sẽ tiếp tục được trang bị súng hợp pháp cho tới tận ngày 1/12.
Trước đó, qui định cảnh sát mang theo vũ khí khi thi hành nhiệm vụ được áp dụng tại Na Uy từ tháng 11/2014 do nguy cơ tấn công Hồi giáo gia tăng. Ngày 17/11, lẽ ra quy định này được dỡ bỏ sau khi Cơ quan tình báo nước này (PST) hạ mức cảnh báo tấn công hồi cuối tháng 10 vừa qua.