Chính phủ Syria nỗ lực tìm giải pháp chính trị

Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem ngày 29/10 khẳng định chính phủ nước này đang nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 7 năm qua.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem trong cuộc họp báo tại Damascus. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn nhà nước SANA dẫn lời ông al-Muallem cho biết để thể hiện thiện chí, Chính phủ Syria đã tham gia vào tất cả cuộc họp quốc tế bàn về Syria. Theo ông, mọi quyết định liên quan đến giải pháp chính trị không được có sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là vấn đề Hiến pháp. Trong chuyến thăm mới đây của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Staffan de Mistura tới quốc gia Trung Đông, Damascus đã nêu rõ quan điểm rằng xây dựng Hiến pháp là vấn đề chủ quyền, vì vậy, vấn đề này phải được thảo luận và giải quyết ở Syria mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.  

Ngoại trưởng Syria cũng nhắc tới tình hình hiện nay ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria - nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa thiết lập vùng phi quân sự. Ông cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thúc đẩy lực lượng nổi dậy cực đoan rút khỏi vùng đệm này, do đó, Idlib hiện "vẫn nằm trong tay lực lượng khủng bố". Bên cạnh đó, ông al-Muallem cũng chỉ trích Mỹ can thiệp vào tình hình Syria, cáo buộc Washington hỗ trợ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, qua đó, muốn kéo dài cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Cũng theo Ngoại trưởng Syria, hiện chính phủ nước này đang nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng tại các khu vực bị giao tranh tàn phá nhằm tạo điều kiện cho người tị nạn Syria trở về nhà. 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, cùng ngày, phe đối lập Syria đã đưa ra một “lộ trình” hòa bình, trong đó bao gồm các bước đi nhằm hướng tới việc soạn thảo hiến pháp thời hậu chiến và một cuộc bầu cử ở nước này. Văn kiện trên được các đại diện của phe đối lập soạn thảo và dự kiến sẽ được trình bày với các bên liên quan chủ chốt trong cuộc xung đột ở Syria, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), trong vài tuần tới. 

Trước đó, lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kêu gọi thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria trước năm 2018 nhằm “mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng” ở quốc gia này. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo 4 nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một tiến trình chính trị toàn diện do LHQ dàn xếp.

Ngọc Hà - Trương Tuấn (TTXVN)
Israel tiếp tục oanh tạc Syria bất chấp S-300 'giăng lưới' khắp không phận
Israel tiếp tục oanh tạc Syria bất chấp S-300 'giăng lưới' khắp không phận

Trước đó, giới chức quân sự Israel tuyên bố họ sẽ không nhắm đến các hệ thống phòng thủ S-300 do Nga chuyển cho Syria nếu chúng không được sử dụng để gây nguy hiểm đối với Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN