Châu Âu cảnh báo tịch thu nhà máy sản xuất vaccine AstraZeneca

Mối quan hệ giữa công ty dược AstraZeneca và châu Âu đang ngày càng căng thẳng do vấn đề nguồn cung vaccine COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhà máy của AstraZeneca ở Thụy Điển. Ảnh: Getty Images

Theo tờ NZherald, châu Âu đang ở giữa khủng hoảng thế kỷ và cảnh báo sẽ tịch thu các nhà máy của AstraZeneca, đồng thời tước quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 của công ty này để không ai có thể sản xuất.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không loại trừ khả năng trên khi nói mọi lựa chọn đều có thể xảy ra. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn trong tiêm vaccine cho 450 triệu người dân giữa làn sóng COVID-19 thứ ba, bà Leyen nói: “Chúng ta đang trong khủng hoảng thế kỷ. Tôi không loại trừ điều gì lúc này vì chúng ta phải đảm bảo người châu Âu được tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Mạng sống, tự do dân sự và kinh tế thịnh vượng tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng”.

Bà Leyen nói thêm: “Khó mà giải thích với người dân tại sao vaccine được sản xuất tại EU lại tới các nước khác cũng đang sản xuất vaccine mà không có vaccine nào đổ về EU”.

Điều 122 của Hiệp ước Vận hành Liên minh châu Âu cho phép giới chức châu Âu sử dụng quyền lực mạnh nếu xảy ra tình trạng khó khăn nghiêm trọng trong cung cấp sản phẩm nào đó. EU đã thiết lập cơ chế giám sát đặc biệt hoạt động xuất khẩu vaccine. Các nhà sản xuất đã ký hợp đồng cung cấp vaccine cho châu Âu phải khai báo nếu họ định xuất khẩu vaccine ra ngoài EU. Điều 122 mới chỉ được sử dụng một lần trong cuộc khủng hoảng dầu những năm 1970.

Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ (Anh) Duncan Smith đã chỉ trích bà Leyen vì những phát biểu trên. Ông nói: “Họ chỉ bất mãn với Anh vì Anh đi trước họ trong tiêm chủng vaccine và họ đang tìm cách đổ lỗi”.

Chiến dịch tiêm chủng của châu Âu đã gặp khó khăn do việc cung cấp vaccine bị trì hoãn cũng như do cuộc tranh cãi gay gắt giữa AstraZeneca và EU về vấn đề nguồn cung. Gần đây, tiêm chủng còn bị đình trệ vì nghi vấn quanh vấn đề an toàn của vaccine AstraZeneca.

EU phần lớn lo ngại về Anh – nơi có trụ sở công ty AstraZeneca. Anh đã tiêm chủng nhanh hơn rất nhiều so với EU.

EU cáo buộc Anh cấm xuất khẩu vaccine để có đủ vaccine dùng trong nước. Cáo buộc này bị Thủ tướng Anh Boris Johnson bác bỏ.

Cảnh báo tịch thu nhà máy sản xuất vaccine AstraZeneca được đưa ra cho dù nhiều nước châu Âu đã tạm ngừng tiêm loại vaccine này vì lo ngại phản ứng phụ huyết khối.

Trước khi EU đưa ra cảnh báo trên, ngày 13/3, AstraZeneca tiếp tục thông báo việc giao vaccine COVID-19 cho EU sẽ chậm hơn kế hoạch. Lý do lần này là các vấn đề liên quan đến sản xuất và các hạn chế xuất khẩu.

AstraZeneca bắt đầu giao vaccine cho EU từ tháng 2 vừa qua và vẫn đặt mục tiêu giao 100 triệu liều trong nửa đầu năm 2021, trong đó 30 triệu liều sẽ giao trong quý I. Hãng cũng đang phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên để giải quyết thách thức nguồn cung hiện nay, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sản lượng trong chuỗi cung ứng tại EU sẽ được cải thiện, nhằm giúp bảo vệ hàng triệu người châu Âu chống dịch.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Châu Âu cảnh báo cấm xuất khẩu vaccine sang nước có tỷ lệ tiêm chủng cao
Châu Âu cảnh báo cấm xuất khẩu vaccine sang nước có tỷ lệ tiêm chủng cao

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) vừa lên tiếng cảnh báo khối này có thể cấm hoạt động xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sang “các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn EU”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN