Châu Âu ngừng tiêm vaccine AstraZeneca, kinh tế châu Á càng chậm phục hồi

Kinh tế châu Á có thể phục hồi chậm hơn khi ngày càng có nhiều nước châu Âu ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca/Oxford tại Milan, Italy ngày 9/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNBC, cảnh báo trên do ông Steve Cochrane, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, đưa ra ngày 16/3.

Ông Cochrane nói: “Sự cố này tạo thêm rủi ro, dù là nhỏ, cho vai trò của châu Á trong phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Theo ông Cochrane, vấn đề liên quan AstraZeneca có thể làm tổn thương thương mại toàn cầu và đó là tin xấu với châu Á – nơi có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động thương mại với châu Âu.

Khi một số nước châu Âu ngừng tiêm vaccine AstraZeneca, thương mại toàn cầu có thể bị ảnh hưởng vì ngừng tiêm có nghĩa là châu Âu lại phải phong tỏa lâu hơn, lâu mở cửa lại nền kinh tế hơn.

Tuy nhiên, may mắn là dù một số khu vực châu Âu gia hạn phong tỏa để phòng COVID-19 nhưng động thái này không ảnh hưởng tới tình hình sản xuất. Phần lớn tác động của phong tỏa đều nằm ở ngành dịch vụ.

Dù hiện nay, ngừng tiêm vaccine AstraZeneca chưa phải là vấn đề lớn với thương mại toàn cầu nhưng ông Cochrane cho rằng vẫn phải xem tiêm chủng trong cả năm nay thế nào thì mới biết kinh tế toàn cầu có phục hồi được hay không.

Các nước châu Á kiềm chế đại dịch tương đối thành công và nhờ đó nền kinh tế phục hồi nhanh hơn châu Âu và Mỹ.

Tuần qua, các nước châu Âu tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca vì nghi ngờ vaccine gây huyết khối. Tới nay, Pháp, Tây Ban Nha và Italy cùng hơn 10 nước đã ngừng tiêm vaccine AstraZeneca. Các nước cho biết đây là biện pháp mang tính chất đề phòng đơn thuần. 

Các quyết định này đi ngược với khuyến nghị của các cơ quan y tế toàn cầu. Đến thời điểm hiện nay, cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đều chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine là tác nhân làm tăng nguy cơ huyết khối. EMA khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ. 

Dù khuyến nghị tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca nhưng WHO và EMA quyết định họp để rà soát dữ liệu hiện có về vaccine này. Tổng giám đốc WHO nói: “Cuộc họp không có nghĩa là các sự cố có liên quan tới tiêm vaccine mà là quy trình thường lệ để điều tra sự cố”. WHO chưa nhận được thông tin gì về tình trạng huyết khối ở những khu vực khác ngoài châu Âu.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định hiệu quả của vaccine AstraZeneca
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định hiệu quả của vaccine AstraZeneca

Ngày 16/3, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bày tỏ "tin tưởng chắc chắn" vào hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong phòng ngừa bệnh COVID-19 mặc dù có những lo ngại về nguy cơ gây chứng huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN