Đến nay, nhà chức trách Mozambique chưa ghi nhận thêm bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khả năng các phần tử Hồi giáo có thể đánh chiếm các thành phố khác.
Trước đó, ngày 24/3, thị trấn Palma đã bị nhóm chiến binh Hồi giáo tấn công. Đụng độ đã khiến hơn 5.000 người phải sơ tán và khoảng 50 người được ghi nhận đã thiệt mạng. Hiện tại, nhiều cư dân được cho là vẫn đang ẩn náu trong các khu rừng xung quanh thị trấn.
Thông báo của Hãng thông tấn Chính phủ Nam Phi (SANews) cho biết nhóm khủng bố Ahlu Sunna Wal Jammah (ASWJ) tấn công vào Palma và các cuộc giao tranh giữa các tay súng và lực lượng chính phủ trong 3 ngày sau đó đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng, trong đó có cả các binh sĩ.
Thị trấn Palma nằm gần một dự án khí đốt trị giá 60 tỷ USD do tập đoàn năng lượng Total của Pháp và một số công ty năng lượng khác triển khai. Sau vụ tấn công khủng bố, Total ngày 27/3 thông báo tạm dừng hoạt động khai thác khí đốt ở phía Bắc Mozambique.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa nhóm phiến quân ASWJ vào danh sách các “tổ chức khủng bố nước ngoài” và liệt thủ lĩnh của tổ chức này Abu Yasir Hassan là “đối tượng khủng bố toàn cầu". Theo bộ trên, ASWJ có liên quan tới IS và được Mỹ đặt tên gọi chính thức là “IS Mozambique”.
Liên hợp quốc (LHQ) kịch liệt lên án những cuộc tấn công này và chia sẻ sự mất mát với gia đình các nạn nhân và Chính phủ Mozambique. LHQ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên thực địa để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công này, trong khi hỗ trợ Chính phủ Mozambique bảo vệ dân thường, khôi phục sự ổn định và đưa các nghi phạm ra xét xử.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết hỗ trợ Mozambique sau cuộc tấn công đẫm máu trên. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Mozambique đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và đánh bại IS.