Theo tờ Politico (Mỹ), kể từ năm 2021, OSCE đã rơi vào tình trạng bế tắc khi Nga từ chối chấp thuận cho Estonia tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên của tổ chức này vào năm 2024. Giờ đây, một giải pháp khả thi đang xuất hiện - nhưng nó đang gây chia rẽ với EU.
Tuần này, Nga (và Belarus) nhắc lại rằng họ không sẵn sàng để Estonia tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên OSCE trong năm tới. Các quan chức Chính phủ Estonia, ứng cử viên từ năm 2020, không giấu được sự tức giận.
“Trong nhiều năm nay, Moskva đã ngăn cản tổ chức này thông qua ngân sách, tổ chức các sự kiện chính thức của OSCE, chấm dứt tất cả các phái đoàn nước ngoài của OSCE ở Ukraine, nước vốn đang có xung đột với Nga”, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nói.
OSCE là một tổ chức ra đời từ Chiến tranh Lạnh, bao gồm 57 quốc gia đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á (mặc dù không có Trung Quốc hay Ấn Độ). Nhiệm vụ của OSCE bao gồm giám sát các cuộc bầu cử và hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình.
Với một hệ thống đòi hỏi sự nhất trí, OSCE là một trong những tổ chức quốc tế chịu ảnh hưởng bởi nỗ lực của Điện Kremlin nhằm định hình lại trật tự toàn cầu sau cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc xung đột đã tác động đáng kể đến khái niệm cơ bản về hợp tác an ninh mà OSCE thể hiện.
Moskva từ lâu đã chỉ trích OSCE, cáo buộc tổ chức này đã biến thành một "công cụ" của phương Tây. Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết, phía Nga cũng đã tận dụng quy tắc đồng thuận trong tại OSCE bằng cách phủ quyết một số quyết định của tổ chức.
Khả năng Nga đóng băng quá trình ra quyết định của OSCE đang được EU theo dõi chặt chẽ. Một cuộc họp cấp bộ trưởng quan trọng sẽ diễn ra ở Bắc Macedonia (hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên OSCE) vào cuối tháng này.
Các nhà ngoại giao gần gũi với những cuộc thảo luận phát biểu trong điều kiện giấu tên rằng, các lựa chọn khác nhau đã được đưa ra để giải quyết vấn đề với Nga. Chúng bao gồm việc Bắc Macedonia tiếp tục giữ chức Chủ tịch trong suốt năm 2024 hoặc ít nhất một nửa năm 2024.
Một số quốc gia, đặc biệt là các nước vùng Baltic, coi việc bất kỳ quốc gia nào khác đảm nhiệm cương vị này là một sự nhượng bộ đối với Moskva. Nhưng những người khác cho rằng, về lâu dài, OSCE có thể tiếp tục là phương tiện liên lạc với Moskva nếu đến thời điểm đàm phán về Ukraine.
Tổng thống Latvia Rinkēvičs nói với Politico rằng việc Bắc Macedonia tiếp tục làm Chủ tịch OSCE sẽ không được coi là một chiến thắng của Nga vì “ngay cả trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, rõ ràng là Moskva đã chặn chức Chủ tịch của Estonia”.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cho biết việc gia hạn cho Bắc Macedonia không có nghĩa là OSCE sẽ có thể tiếp tục hoạt động, đồng thời đặt câu hỏi về quyết tâm của nước này trong việc tiếp tục đảm nhận vai trò đó.
Theo hai nhà ngoại giao, Nga có vẻ cởi mở với việc các nước ngoài NATO tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên OSCE. Và theo bốn nhà ngoại giao khác, ngày càng có sự đồng thuận rằng Malta có thể là giải pháp thay thế.
Áo, quốc gia cũng được coi là ứng cử viên tiềm năng, cho biết họ sẵn sàng đón nhận ý tưởng về Malta. “Áo ủng hộ mọi biện pháp duy trì hoạt động của OSCE. Với tư cách là nước chủ nhà của tổ chức, Áo có trách nhiệm đặc biệt”, Bộ Ngoại giao Áo cho biết trong một tuyên bố.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức giấu tên cũng nêu rõ “các quyết định quan trọng đang được chờ đợi trong OSCE” và các bên sẽ “khám phá các giải pháp thỏa hiệp khả thi ở Vienna”. Quan chức Đức này nhấn mạnh: “Điều quan trọng là duy trì hoạt động của OSCE”.