Theo báo Deutsche Welle (Đức), các bộ trưởng ngoại giao của 56 trong số 57 thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang nhóm họp tại thành phố Lodz của Ba Lan và các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào ngày 2/12.
Trong khi đó, chỉ đại diện thường trực của Nga tại OSCE được mời vì Ba Lan từ chối mời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov dẫn đầu phái đoàn sang tham gia các cuộc đàm phán.
Do tất cả các quyết định quan trọng của OSCE đều cần có sự đồng thuận, nên khả năng cao là các vấn đề trong chương trình nghị sự, chẳng hạn như thiết lập ngân sách năm 2023 cho nhóm, sẽ không được giải quyết trong tuần này.
Ba Lan là một trong những quốc gia chỉ trích Nga gay gắt nhất ở châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều này đặt OSCE vào một vị trí đầy thách thức.
Nga tuyên bố việc không mời ông Lavrov tham gia các cuộc họp đã làm mất giá trị các công cụ ngoại giao. Ông Lavrov cũng đã tổ chức một cuộc họp báo ở Moskva ngày 1/12, thời điểm trùng với cuộc họp ở Ba Lan, cáo buộc các nước phương Tây và NATO đã làm giảm giá trị các nguyên tắc nền tảng của cơ quan giám sát nhân quyền và an ninh châu Âu.
"Tận dụng ưu thế về số lượng của mình trong tổ chức này, phương Tây đã tìm cách 'tư nhân hóa' OSCE trong nhiều năm. Có thể nói rằng họ đang tìm cách kiểm soát OSCE, chi phối nền tảng đối thoại duy nhất này của khu vực", ông Lavrov nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng chỉ trích đích danh Ba Lan, nói rằng hành động của nước này trên cương vị Chủ tịch OSCE đang hướng tổ chức "đi tới nơi chưa từng có trong lịch sử của OSCE".
Những tuyên bố trên đã thu hút sự chú ý đáng kể ở Nga. Cuối ngày 1/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov được hỏi liệu Nga có thể rời OSCE hay không.
"Do vị thế mà OSCE đảm nhận, tổ chức này tự động mất đi tính hiệu quả. Và tổ chức này đánh mất cơ hội, không phải bằng lời nói mà bằng hành động, để giải quyết các vấn đề an ninh và hợp tác ở châu Âu", ông Peskov cho biết.
Tương tự, đại diện OSCE của Nga, Alexander Lukashevic, cũng nói với các đại biểu tham dự cuộc họp ở Lodz rằng: "Phương Tây đang làm mất giá trị các công cụ ngoại giao, kiên quyết đi vào con đường đối đầu. OSCE đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để thúc đẩy một cuộc đối thoại toàn diện ở Ukraine".
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, quốc gia đang ở trong tình thế khó khăn khi là một đồng minh của Ba Lan, nhưng cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, gần như chỉ trích việc loại ông Lavrov khỏi cuộc họp của OSCE lần này, nói rằng các kênh liên lạc phải được duy trì.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết Nga đang tìm cách đổ lỗi khi họ có lỗi liên quan đến việc ông Lavrov không được mời tham dự cuộc họp. "Tôi có thể nói rằng thật xúc phạm khi nghe Nga cáo buộc Chủ tịch OSCE đã đẩy tổ chức này xuống vực sâu, phá hủy nền tảng và vi phạm các quy tắc của mình", ông Rau nói.
Phát biểu với các phóng viên bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lập luận rằng sự thống nhất trong OSCE có lẽ "chưa bao giờ lớn hơn thế, nhưng trong thời điểm này, khi tất cả chỉ là làm rõ bạn đứng về phía nào, 56 quốc gia đã quyết định đứng về phía hòa bình, tự do".
Bà Baerbock cũng chỉ trích Nga vì đã trì hoãn các cuộc đàm phán về các vấn đề như ngân sách OSCE, nói rằng Đức đã quyết định tự nguyện nộp khoản đóng góp tăng thêm 10 triệu euro cho năm 2023.
OSCE được thành lập trong Chiến tranh Lạnh để làm một nền tảng hiếm hoi nhằm thảo luận giữa các quốc gia phương Tây và các quốc gia khối phương Đông. 57 thành viên của nhóm bao gồm gần như toàn bộ Liên Xô cũ và châu Âu, dù là thành viên EU hay không, cũng như Mỹ và Canada và một số quốc gia châu Á.