Bộ trưởng An ninh Nội địa Anh ký sắc lệnh dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks sang Mỹ

Ngày 13/6, Bộ trưởng An ninh Nội địa Anh Sajid Javid đã ký sắc lệnh cho phép dẫn độ nhà sáng lập trang mạng Wikileaks Julian Assange sang Mỹ.

Chú thích ảnh
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange phát biểu tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, ngày 19/5/2017. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đang bị giam giữ 50 tuần tại một nhà tù ở London vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh năm 2012, thời điểm ông này xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển với cáo buộc phạm tội tấn công tình dục.

Phát biểu trên chương trình Today sáng 13/6, Bộ trưởng Sajid Javid xác nhận ông đã ký sắc lệnh để Julian Assange bị dẫn độ về Mỹ. Ông cho hay "Mỹ đã yêu cầu dẫn độ và ngày hôm qua tôi đã ký sắc lệnh dẫn độ. Sắc lệnh sẽ được đưa ra trước tòa vào ngày 14/6".

Theo Bộ trưởng Sajid Javid, tòa án sẽ quyết định số phận của ông Julian Assange.

Tại Mỹ, Julian Assange đối mặt với cáo buộc làm lộ thông tin mật của Chính phủ Mỹ với bản án có thể lên tới 175 năm tù nếu bị tuyên là có tội.

Trước đó, ngày 23/5, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố 17 cáo buộc về các tội danh hình sự mới nhằm vào nhà sáng lập WikiLeaks Assange. Trong thông báo, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Assange đã vi phạm luật pháp khi công bố tên của các nguồn tin mật, cũng như đã cấu kết và phối hợp với Chelsea Manning - một chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ nhằm đánh cắp nhiều tài liệu bí mật.

Như vậy, ông Assange đang đối diện với tổng cộng 18 cáo buộc. Trước đây, nhà sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc đã cấu kết với Manning trong việc truy cập máy tính của chính phủ để đánh cắp hàng trăm nghìn báo cáo của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Theo truyền thông Mỹ,  ông Assange cũng bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp của nước này khi công bố các tài liệu ngoại giao và quân sự hồi năm 2010, đồng thời Bộ Tư pháp Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của ông Assange rằng ông là một nhà báo.

Hôm  11/4 vừa qua, cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador với cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo lãnh tại ngoại cách đây 7 năm, và theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan tới việc WikiLeaks phát tán hàng nghìn tài liệu chính thức của quốc gia này. Ông này đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử các cáo buộc xâm hại tình dục và cưỡng hiếp.

Assange luôn phủ nhận mọi cáo buộc trên và gọi đó là âm mưu chính trị, liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Mỹ và nhiều tài liệu ngoại giao của quốc gia này. Ông này cũng luôn khẳng định việc bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ mở đường cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ.

Luật sư của ông Assange tại London Jennifer Robinson khẳng định thân chủ của mình sẽ đấu tranh tới cùng để phản đối yêu cầu dẫn độ. Assange đang tìm kiếm sự giúp đỡ của một nhóm luật sư giàu kinh nghiệm để chống lại yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, trong khi trang mạng Wikileaks kêu gọi quyên góp tài chính cho cuộc chiến pháp lý của ông Assange, dự kiến sẽ kéo dài và với chi phí hàng trăm nghìn USD.

Tuấn Khanh/Báo Tin tức
Tòa án Thụy Điển bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks
Tòa án Thụy Điển bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks

Tòa án khu vực Uppsala của Thụy Điển ngày 3/6 đã bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục. Động thái này được cho là sẽ gây khó khăn cho các công tố viên Thụy Điển trong việc yêu cầu dẫn độ ông từ Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN