Bang thứ hai ở Đức phát hiện bệnh tả lợn châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sau bang Brandenburg, bang thứ hai ở Đức là Sachsen cũng đã phát hiện trường hợp một con lợn rừng bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi (ASF).

Chú thích ảnh
 Lợn rừng được phát hiện mắc dịch tả lợn châu Phi ở bang Brandenburg, miền Đông Đức. Ảnh: Imago-images.de/TTXVN

Bộ Xã hội bang Sachsen xác nhận trường hợp lợn nhiễm bệnh là một con lợn rừng bị bắn ngày 27/10 ở huyện Görlitz thuộc bang này, sau đó được Viện Friedrich Loeffler xác nhận nhiễm ASF. Hiện một "vùng hạn chế" xung quanh địa điểm bắn hạ con lợn trên đã được thiết lập để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Bên cạnh đó, bang Sachsen cũng đang cố gắng kiểm soát dịch bằng việc dựng các hàng rào, sử dụng chó tìm kiếm và máy bay không người lái để phát hiện lợn rừng. Giới chức bang Sachsen cũng kêu gọi những người chăn nuôi lợn hết sức cảnh giác bảo vệ đàn gia súc, không để dịch xâm nhập. 

Bang Sachsen có trên 3.000 hộ nông dân nuôi khoảng 670.000 con lợn. Bệnh tả lợn châu Phi không nguy hiểm với con người nhưng rất dễ lây lan và phần lớn khiến lợn nuôi và lợn rừng bị chết. Bệnh lần đầu tiên được phát hiện ở Đức hồi tháng 9 tại khu vực biên giới Đức - Ba Lan thuộc bang Brandenburg. Kể từ thời điểm đó, bang Brandenburg cũng đã phát hiện thêm trên 100 con lợn rừng nhiễm bệnh. Bệnh được cho lan vào Đức qua biên giới Ba Lan. Hồi tháng 3/2020, một con lợn rừng đã chết vì ASF ở khu vực chỉ cách biên giới với Đức vài chục km. 

Nông dân Đức lo sợ hậu quả về kinh tế một khi dịch bệnh lây lan rộng hơn. Sau trường hợp đầu tiên ở Brandenburg, giá thịt lợn đã giảm, trong khi Trung Quốc và nhiều nước khác đã cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức. Tuy nhiên, cho đến nay, bệnh vẫn chưa được phát hiện ở bất kỳ con lợn nuôi nào ở Đức.

Bệnh tả lợn châu Phi có nguồn gốc ở Nam Phi và xuất hiện tại châu Âu vào những năm 1960. Từ năm 2014, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở các nước Tây Âu, bắt nguồn từ những con lợn rừng được đưa vào các khu rừng ở Bỉ để phục vụ mục đích săn bắn. Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, không gây bệnh cho con người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật như ruồi, muỗi, chuột, mèo và gia cầm. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho con người do có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại Lào
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại Lào

Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn nguồn trang mạng laotiantimes.com ngày 22/10 cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 7 tỉnh của Bắc Lào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN