Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Đức, thông báo cho hay giới chức địa phương đã phát hiện xác một con lợn rừng tại khu vực gần biên giới giữa Đức và Ba Lan. Các chuyên gia đã lấy mẫu phẩm để xét nghiệm tại phòng thí nghiệm thuộc Viện Freidrich-Loeffer. Ngay sau khi có kết quả phân tích, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp liên bang Đức Julia Kloeckner sẽ trực tiếp công bố với giới truyền thông trong ngày 10/9.
Đức hiện thực sự lo ngại nguy cơ lây lan của dịch bệnh tả lợn châu Phi sau khi quốc gia láng giềng Ba Lan xác nhận, trong nhiều tháng qua, đã có một số trường hợp nhiễm bệnh ở lợn rừng ở khu vực phía Tây nước này, trong đó có 1 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện chỉ cách biên giới Ba Lan-Đức khoảng 10 km.
Thời gian gần đây, đã có khoảng 10 quốc gia châu Âu khác cũng xác nhận có trường hợp lợn rừng bị nghi lây nhiễm ASF. Đức lo ngại, nếu dịch tả lợn châu Phi thực sự bùng phát, sẽ đe dọa hoạt động xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và các nước châu Á khác. Hiện nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, thường xuyên áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ những nước và khu vực phát hiện ASF. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Đức, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, nước này đã xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 158.000 tấn thịt lợn trị giá 424 triệu euro, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Bệnh tả lợn châu Phi có nguồn gốc ở Nam Phi và xuất hiện ở châu Âu vào những năm 1960. Từ năm 2014, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở các nước Tây Âu, bắt nguồn từ những con lợn rừng được đưa vào các khu rừng ở Bỉ để phục vụ mục đích săn bắn.
Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh ở người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho con người do có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa.