LHQ kêu gọi khẩn cấp hợp tác toàn cầu để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ngày 20/7 cho biết dịch tả lợn châu Phi (ASF) có thể giết chết mọi con lợn mà nó lây nhiễm và không có vaccine hiệu quả, tuy nhiên dịch bệnh này có thể bị loại bỏ nếu có thêm nhiều quốc gia tiếp tục hợp tác để hạn chế sự lây lan của căn bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, lời kêu gọi khẩn cấp được FAO và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đưa ra trong bối cảnh dịch ASF đang lây lan nhanh chóng gây thiệt hại lớn đối với quần thể lợn trên thế giới.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng tại một trang trại nuôi lợn ở Kabanjahe, Karo, Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 12/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Tổng giám đốc FAO, Maria Helena Semedo cho biết trong thế giới toàn cầu hóa, các dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng qua biên giới, do đó các nước cần chia sẻ kịp thời các thông tin khoa học mới nhất, hợp tác quốc tế và thông báo về ASF để ngăn chặn sự lây lan xuyên biên giới và giảm thiểu tác động.

Hiện tại, virus gây ASF không thể lây nhiễm sang người, nhưng có thể gây ra tỷ lệ tử vong lên đến 100% ở lợn. ASF đã gây thiệt hại cho hơn 50 quốc gia, từ các nước châu Phi cận Sahara đến các quốc gia châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương.

Phó Tổng giám đốc OIE phụ trách về khoa học và tiêu chuẩn quốc tế, Matthew Stone cho biết hiện có 51 quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế-xã hội hiện nay.

Theo FAO, có những lo ngại nghiêm trọng về tác động của căn bệnh ASF trên lĩnh vực kinh tế. Vì thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, chiếm hơn 1/3 lượng tiêu thụ thịt toàn cầu.

Trong một tuyên bố, FAO cho biết trong khuôn khổ quan hệ đối tác với OIE, sáng kiến của FAO về kiểm soát dịch tả lợn châu Phi đã tìm cách thúc đẩy các quan hệ đối tác tăng cường các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu tác động của dịch bệnh này. Tuy nhiên, cả hai tổ chức này đều nhấn mạnh nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi ASF đang “thiếu nguồn nhân lực, tài chính hoặc kỹ thuật để phát hiện, ứng phó và ngăn chặn nhanh chóng” các loại dịch bệnh ở động vật.

Tuyên bố chung của FAO và OIE cho rằng các hành động phối hợp như là một phần của Sáng kiến toàn cầu nên được thực hiện cùng với việc duy trì tính minh bạch trong báo cáo về các trường hợp động vật nhiễm bệnh và đầu tư vào hệ thống thú y.

Các biện pháp được FAO và OIE khuyến nghị bao gồm cải thiện năng lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn, ứng phó và loại bỏ virus gây bệnh ASF bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất và các mô hình tốt nhất trên cơ sở khoa học mới nhất.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi các nước trên thế giới đưa ra một phương pháp hiệu quả để kiểm soát căn bệnh này trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hữu Thanh (TTXVN)
Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Quyết định 972/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN