Ảnh: Cơ quan tài nguyên thiên nhiên và môi trường Tasmania
Theo Cơ quan tài nguyên và môi trường Tasmania, trong vòng 48 giờ qua, tổng cộng 157 con cá voi sát thủ giả đã bị mắc cạn gần sông Arthur, phía Tây Bắc đảo Tasmania.
Cơ quan này cho biết những con cá voi còn sống sót đang ngày càng yếu và sẽ phải an tử (mang tới cái chết êm ái) sau khi các nỗ lực đưa chúng trở lại đại dương thất bại.
"Sau khi được đội ngũ thú y đánh giá, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định an tử các cá thể này", bà Shelley Graham, người phụ trách xử lý sự cố, nói với báo giới. Bà cũng buồn bà cho biết nhiều khả năng toàn bộ 90 con còn lại cũng sẽ phải chịu chung số phận.
Trước đó, quan chức bảo tồn động vật hoang dã bang Tasmania, ông Brendon Clark, cho biết đội cứu hộ đã nỗ lực giải cứu một số cá thể. Giống như cá voi sát thủ, cá voi sát thủ giả thuộc họ cá heo, có thể dài tới 6 mét và nặng hơn một tấn. Tuy nhiên, ông Clark cho biết vị trí mắc cạn quá xa đã khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại.
"Cố gắng đưa những con vật này trở lại biển trong điều kiện sóng lớn là một thách thức lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro an toàn cho đội ngũ cứu hộ", ông nói.
Ông cho biết đã điều động các chuyên gia đến hiện trường để tìm ra phương án xử lý nhân đạo nhất cho tình huống khó khăn này.
Các nhà khoa học sẽ tiến hành khám nghiệm và lấy mẫu từ những con cá voi đã chết để xác định nguyên nhân mắc cạn.
Theo ông Angus Henderson, giảng viên tại Đại học Tasmania và chuyên gia về sinh thái cá voi, việc loài động vật này xuất hiện ở vùng nước ôn đới mát của bang Tasmania là khá bất thường, bởi chúng thường sống ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Nhà khoa học biển, bà Vanessa Pirotta cho biết ngay khi một con cá voi hoặc cá heo bị mắc cạn, thời gian sống sót của chúng bắt đầu đếm ngược. "Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ vì sao cá voi và cá heo lại mắc cạn hàng loạt như vậy", bà nói .
Dù Tasmania đã chứng kiến nhiều vụ cá voi mắc cạn trong những năm gần đây, nhưng đây là sự cố đầu tiên liên quan đến cá voi sát thủ giả kể từ năm 1974.
Năm 2020, vụ cá voi mắc cạn lớn nhất trong lịch sử Australia được phát hiện tại một cảng ở Tasmania, khi khoảng 470 con cá voi hoa tiêu vây dài bị mắc kẹt trên các bãi cát ngầm. Sau một tuần giải cứu, chỉ có 111 con được cứu sống, số còn lại đều chết. Đến năm 2022, thêm 200 con cá voi hoa tiêu mắc cạn tại chính địa điểm này.
Các chuyên gia cho rằng nhiều yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng mắc cạn, bao gồm mất phương hướng do tiếng ồn lớn, bệnh tật, tuổi già, chấn thương, chạy trốn kẻ săn mồi hoặc thời tiết khắc nghiệt. "Chúng có mối liên kết xã hội rất mạnh mẽ. Chỉ cần một cá thể bị mất phương hướng, cả đàn có thể sẽ theo nó lên bờ", nhà sinh vật học Kris Carlyon giải thích.
Chính quyền bang cũng cảnh báo người dân và du khách tránh xa khu vực do cháy rừng đang bùng phát ở bờ Tây Tasmania. "Tất cả các loài cá voi đều được bảo vệ, kể cả khi đã chết. Việc can thiệp vào xác cá voi mà không có sự cho phép là hành vi phạm pháp", Cơ quan Môi trường Tasmania tuyên bố.