“Tôi không thuộc loại người nhát gan, nhưng lần đó tôi sợ hãi vô cùng”, David, một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm, một "sói biển" thực sự, đã nói như vậy khi nhớ lại một lần gặp cá voi sát thủ.
Từng là thuyền trưởng của một con tàu đánh cá hiện đại, năm 2013 ông David xin nghỉ hưu, sau đó chuyên làm việc di chuyển những chiếc du thuyền từ cơ sở đóng tàu đến bến đỗ theo mong muốn của chủ sở hữu. Vào cuối tháng 10/2020, trong một lần đưa một du thuyền được đóng ở Pháp đến eo biển Gibraltar, khi David và thủy thủ đoàn đang ở ngoài khơi biển Bồ Đào Nha thì bỗng nhiên có một đàn cá tiến đến gần họ. Ban đầu, David cùng các cộng sự tưởng là cá heo song họ sớm nhận ra rằng, những sinh vật biển này to hơn cá heo rất nhiều. Chúng cũng không có màu xám đặc trưng của cá heo mà lại là đen pha trắng. Thêm nữa hành vi của chúng không hề giống loài cá heo hiền lành. Chỉ có âm thanh mà chúng phát ra là giống cá heo. Những con người dạn dày với biển đó nhanh chóng biết rằng, đó là một đàn cá voi sát thủ.
Ban đầu họ rất hứng thú, nhưng rồi cảm giác đó đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự hoảng sợ khi những con cá khổng lồ bất ngờ lặn xuống biển và tấn công du thuyền. Trong suốt 2 giờ đồng hồ đàn cá voi sát thủ ra sức đánh mạnh vào sườn chiếc du thuyền dài 14m hòng lật nghiêng nó. "Những cú va đập mạnh nối tiếp nhau không ngừng nghỉ trong suốt 2 giờ liền”, David nhớ lại. "Dường như có sáu hoặc bảy con, tôi cho rằng đó những con thuộc độ sung mãn nhất, tấn công mạnh mẽ nhất. Chúng thường nhắm đánh vào phần thân du thuyền gần vô lăng và khiến cho vô lăng bị quay loạn xạ sau mỗi cú đánh”.
Bị đàn cá voi sát thủ làm cho xây xẩm mặt mày, thủy thủ đoàn dùng điện thoại vệ tinh gọi cho Cảnh sát biển Bồ Đào Nha và nhận được lời khuyên rằng hãy tắt động cơ, thu buồm lại và cố gắng tạo ra cảm tưởng rằng chiếc du thuyền là một vật thể vô tri vô giác, nhàm chán nhất thế gian. Họ nghe theo và kết quả là, sau 2 giờ, bầy cá khổng lồ ngừng cuộc tấn công. Các thành viên thủy thủ đoàn đã lo lắng chờ đợi trong vòng khoảng 1 giờ nữa, chỉ sau khi chắc chắn rằng những con cá voi sát thủ đã thực sự buông tha cho du thuyền, họ mới dám tiếp tục đi tiếp, nhưng vẫn thận trọng men theo bờ biển Bồ Đào Nha và để điện đài ở trạng thái sẵn sàng liên lạc với lực lượng bảo vệ trên đất liền.
Chân dung cá voi sát thủ
Theo Wikipedia, cá voi sát thủ có tên khoa học là Orcinus orca, còn được gọi là cá heo đen lớn hay cá hổ kình. Đây là một loài cá heo thuộc phân bộ cá voi có răng. Cá voi sát thủ là phân loài cá voi lớn nhất trong họ. Cá voi sát thủ trưởng thành có chiều dài cơ thể đạt tới 10 mét và có thể nặng tới 10 tấn. Chúng linh hoạt, nhanh nhẹn với cái miệng đáng sợ có nhiều răng sắc nhọn, nhờ thế chúng có thể tấn công và ăn tươi nuốt sống bất kỳ loài động vật nào. Với kích thước lớn, hàm răng sắc nhọn, sự thông minh và sức mạnh có thể nói là vô song, cá voi sát thủ là mối đe dọa khủng khiếp ngay cả với những con cá mập khát máu. Chúng tấn công theo kiểu bầy đàn, tiêu diệt và phanh thây cá mập để ăn lá gan - thứ được coi là bổ dưỡng nhất trong bụng cá mập.
Trong môi trường sống tự nhiên, tuy hung hãn là thế nhưng trong nhiều thập kỷ người ta chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào cá voi sát thủ tấn công con người. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi từ tháng 6 năm 2020. Thời điểm đó, tại khu vực eo biển Gibraltar ngăn cách Tây Ban Nha với Maroc, những con cá voi sát thủ khổng lồ bắt đầu tấn công vào tầu thuyền. Theo báo The Guardian của Anh, từ năm 2020 đến nay, đã thống kê được hơn 500 vụ cá voi sát thủ tấn công tàu thuyền. Người ta cũng thống kê được rằng, có đến 72% trong số đó là các cuộc tấn công vào tàu thuyền có gắn buồm. Chưa ghi nhận thương vong về người, nhưng những sinh vật khổng lồ này đã gây ra những thiệt hại đáng kể về vật chất.
Nhiều cuộc tấn công của cá voi sát thủ vào tầu thuyền đã được ghi lại và đăng tải trên trang web orcas.pt. Trang web này giúp các chủ tàu thuyền biết được khu vực nào trên eo biển Gibraltar có nguy cơ có cá voi sát thủ, nên tránh đi qua. Còn nếu chẳng may có mấy con cá voi sát thủ xuất hiện bên cạnh tàu thuyền của bạn, thì như cảnh sát biển đã khuyên ông David, bạn nên giảm tốc độ, tắt động cơ, bỏ tay ra khỏi vô lăng điều khiển tầu thuyền, liên hệ ngay với lực lượng cứu hộ và cố gắng ghi hình hành vi của loài cá hung dữ này. Video clip mà bạn quay được sẽ rất hữu ích trong việc nghiên cứu hành vi của loài sinh vật này, và giúp tìm ra cách khắc chế chúng trong tương lai.
Tại sao cá voi sát thủ dám tấn công tàu thuyền của con người?
Cho tới nay chưa có lời giải thích xác đáng nào cả. Nhưng cũng có một vài giả định thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.
Một luồng ý kiến cho là, cá voi sát thủ có thể cảnh giác trước sự xuất hiện của cái mà chúng cho là “những dị vật khổng lồ chuyển động và gây ra tiếng ồn khó chịu” ở vùng sinh sống truyền thống của chúng. Tuy nhiên, những người nêu ra ý kiến này đã không thể trả lời được câu hỏi: Tại sao tầu thuyền của con người đã đi lại ở khu vực này từ lâu và cá voi sát thủ từng nhiều lần bơi gần tầu thuyền, nhưng trước thời điểm tháng 6 năm 2020 chúng chưa bao giờ tấn công cả.
Theo luồng ý kiến thứ hai, cá voi sát thủ tấn công tầu thuyền như một trò đùa trong lúc chúng đã “cơm no ấm cật”. Thủy thủ đoàn của những tàu thuyền hay qua lại vùng biển có cá voi sát thủ từng ghi nhận trường hợp đàn cá này dường như “nghĩ ra” một hoạt động mang tính giải trí vô hại, coi đó là “thú chơi” trong một thời gian nhất định, rồi sau đó chúng lại quên trò đó đi. Hành vi loại này của cá voi sát thủ từng được ghi nhận vào năm 1987 ở vịnh Puget Sound (Mỹ). Khi đó, một con cá voi sát thủ bắt được một con cá hồi, giết chết rồi đội xác nó lên đầu và bơi lướt một đoạn rất dài trên mặt biển. Sau đó, những con cá voi sát thủ khác bắt chước và cả bầy cá tạo thành một cảnh rất kỳ lạ trên mặt biển. "Lễ hội rước xác cá hồi” kỳ quái này kéo dài khoảng sáu tuần rồi bỗng nhiên ngừng bặt hẳn, không bao giờ lặp lại nữa.
Việc chưa tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá voi sát thủ tấn công tàu thuyền đã làm khó cho việc tìm cách giải quyết vấn nạn này. Có người đề nghị đóng cửa một phần eo biển Gibraltar, coi đó như vùng "đặc biệt nguy hiểm" đối với tầu bè qua lại. Nhưng ai cũng biết, eo biển này đóng một vai trò quan trọng đến thế nào trong giao thông vận tải biển. Sử dụng các tuyến đường biển khác không qua eo biển Gibraltar có thể sẽ tốn kém hơn, và không ai biết trước được những vấn đề gì có thể xảy ra với tàu thuyền ở những hải trình mới đó. Cho tới nay đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng, may ra, một thời gian nữa, cá voi sát thủ sẽ “bình tĩnh trở lại” như trước đây, không đối đầu với con người nữa.