Kon Tum: Tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục

Chiều 1/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND công bố danh mục 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp cần tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ.

Chú thích ảnh
Kon Tum tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Ảnh: kontumtv.vn

Theo đó, 6 hủ tục gồm: Kiêng cữ cái chết xấu (có tính chất hủ tục mê tính dị đoan, trái quy định về đời sống văn hóa, không có tính nhân văn, thiếu tinh thần đoàn kết, tương trợ ở thôn làng); cúng ốm đau và khấn cầu thần linh (nặng mê tính dị đoan, trái các quy định của ngành y tế về bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng; riêng đối với cúng tạ ơn thần linh cần duy trì vì đây là khởi nguồn của Lễ hội ăn trâu đậm bản sắc cổ truyền nhưng cần chú ý đến nếp sống văn minh và vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí); kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc (nặng mê tính dị đoan); thuốc thư (nặng mê tính dị đoan, gây hoang mang, lo sợ cho nhân dân, gây nghi ngờ lẫn nhau, cúng bái vô bổ); hôn nhân cận huyết; tảo hôn.
 
Tám phong tục không còn phù hợp gồm: Nợ miệng (hiện tượng ăn uống tại tang gia, làm mất ý nghĩa đạo đức, nhân văn; việc phúng điếu bằng gia súc để nhà có tang giết thịt làm cỗ, biếu thịt mang về không tượng trưng ý nghĩa nhân văn, ảnh hưởng lâu dài về kinh tế); ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; thả rông gia súc, gia cầm (gây mất vệ sinh môi trường); củi hứa hôn (là phong tục đẹp, giàu nhân văn nhưng cần vận động người dân tận dụng cây gỗ do gia đình trồng như cây Bời lời; không sử dụng gỗ Dẻ - gỗ nhóm II như trước đây, đồng thời hạn chế số lượng bó củi); tưởng nhớ và cho người chết ăn (có tính chất mê tính dị đoan, cần xóa bỏ một phần việc mang thức ăn cho người đã chết, chuyển đổi các hình thức tưởng niệm thiên về tinh thần, nhân văn); để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma (cần xóa bỏ một phần, loại trừ các yếu tố gây mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh); sinh đẻ tại nhà; ngủ “đầm” (ngủ rẫy, cần xóa bỏ hoàn toàn, đây chưa phải là phong tục).
 
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời theo dõi, kiểm tra, tổng hợp đánh giá, báo cáo việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Danh mục đảm bảo phù hợp theo quy định của Trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh (nếu có).
 
Ban Dân vận Tỉnh ủy, Thường trực các huyện ủy, thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh căn cứ nội dung danh mục và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương chỉ đạo, phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Cao Nguyên (TTXVN)
Chuyện về Bí thư chi bộ dân tộc Nùng giúp dân xóa bỏ hủ tục và phát triển kinh tế
Chuyện về Bí thư chi bộ dân tộc Nùng giúp dân xóa bỏ hủ tục và phát triển kinh tế

Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết muốn đóng góp, xây dựng quê hương, những năm qua, anh Thèn Văn Hiển, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Giáng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã luôn nỗ lực vận động người dân trong thôn xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo… Nhờ đó, đời sống của người dân ở Bản Giáng đã từng bước được cải thiện. Với người dân nơi đây, anh Thèn Văn Hiển là “trưởng bản” - người uy tín trẻ tuổi nhất ở Bản Giáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN