Chị Hồ Thị Con (ngoài cùng bên trái) trong một điệu múa truyền thống của người Bru - Vân Kiều. |
Tục “Nối dây” là kiểu hôn nhân anh, em chồng và chị, em vợ. Theo đó, khi người chồng/vợ qua đời, người còn lại muốn tái hôn buộc phải lấy một người trong gia đình vợ/chồng, có thể là em gái vợ, em trai chồng, có thể còn rất nhỏ tuổi hay đã già. Nếu không, người chồng, vợ góa đó phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được phép mang con cái theo.
Năm 2001, chồng chị Con không may qua đời vì bệnh nặng, chị thành góa bụa ở tuổi 43 với đàn con nheo nhóc. Một năm sau, theo phong tục của đồng bào Bru - Vân Kiều, gia đình bên chồng đánh tiếng đưa chị về làm vợ hai của Hồ Văn Thục, em ruột của chồng, kém chị 14 tuổi. Người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với chị lại chính là em gái chị, Hồ Thị Nòn (vợ của Thục).
Sức ép đối với chị không phải là thần linh, là ma núi mà chính là dân bản. Vì cự tuyệt, chị bị mọi người đe nẹt, nếu có chuyện gì xảy ra với bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi...
Năm 2002, thời điểm còn “trốn” nối dây, chị đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, được anh em cán bộ xã động viên không nên theo tục lệ cũ. Trì hoãn mãi, cuối cùng, chị Hồ Thị Con nói với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Chuyện đó lan đi trong bản như một tin dữ. Dân bản xa lánh chị, nhà chồng, đặc biệt là bố chồng chị, đã trốn cả tháng trên rẫy vì nghĩ rằng tai họa đang chuẩn bị ập xuống gia đình ông do làm trái ý Giàng.
Sau khi không thực hiện tục nối dây, chị Con mạnh dạn nhận đất trồng rừng, đồng thời phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, lập vườn đồi trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, chăn nuôi, đời sống của gia đình chị từng bước được nâng lên. Hiện nay, chị có đàn trâu trên 10 con, 2 ha rừng, vườn cây ăn quả 0,5 ha và thu hoạch được trên 1.000 lon đậu xanh/năm. Các con của chị được học hành tốt, hiếu thảo, gắn bó với gia đình bên nội.