Chamaléa Thị Tê tại Đại hội thi đua yêu nước ngành y tế tỉnh Ninh Thuận lần thứ VI. |
Chị Tê tâm sự: "Do nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa cao, nên phụ nữ Raglai rất e ngại và mắc cỡ khi đến khám thai định kỳ tại trạm y tế. Họ cho rằng “thần linh, thần núi rừng” che chở rồi thì không sao, đẻ trên nương rẫy cũng được. Trước giờ cũng vậy, phụ nữ Raglai làm nương, làm rẫy vất vả hơn cả đàn ông, có bầu cũng đi làm. Mỗi khi lên nương rẫy, họ phải tự chuẩn bị sẵn chòi và một số đồ dùng đơn giản cho mình, khi nào đau bụng sinh sẽ nhờ chồng hay chị em gần nương rẫy đỡ đẻ luôn. Vì thế, nhiều chị em bị tai biến sản khoa sau sinh, có trường hợp dẫn đến tử vong mẹ hoặc con, có trường hợp cả mẹ lẫn con bị tử vong, tội lắm. Thấy tình cảnh vậy, tôi chỉ ước gì mình là y, bác sĩ, để hướng dẫn, chăm sóc cho mẹ tròn con vuông”.
Thật may mắn vào năm 2006, chị Tê được chính quyền xã Phước Thành chọn đi đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Khi trở về chị được Trung tâm Y tế huyện Bác Ái phân công làm cô đỡ thôn bản, kiêm y tế thôn bản tại địa phương.
Thấu hiểu những khó khăn của những người mẹ Raglai, chị Tê không ngại gian khổ đến từng nhà, lên tận nương rẫy ở các thôn bản xa xôi để tuyên truyền cho chị em về cách chăm sóc sức khỏe, về quyền lợi bản thân… Với những gì được đào tạo, được học hỏi ở anh, chị y bác sĩ tại trạm y tế xã, chị Tê ngày càng tự tin hơn với công việc; tận tình, chăm sóc chu đáo cho nhiều chị em, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhiều gia đình sinh sống trên miền núi Phước Thành.
Gần 5 năm qua, hơn 60 trường hợp được chị khám thai; hơn 34 trường hợp được chị đỡ đẻ tại trạm y tế, 3 trường hợp đỡ đẻ tại nhà, tất cả đều an toàn. Không chỉ làm cô đỡ thôn bản, chị Tê còn là một tuyên truyền viên giỏi, vận động chị em trong gia đình phải ăn chín, uống sôi, vệ sinh nhà cửa, nằm mùng tránh muỗi gây bệnh…; vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhờ đó, hiện nay Phước Thành không còn tình trạng sinh năm, sinh bảy như trước.