Mùa biển lặng 

Ngôi làng nằm nép mình ven biển thật yên ắng, gió cũng như trốn đi đâu. Những chiếc xe trâu chở cá về khi chiều đổ, từ những gian bếp ghép tạm của các hộ dân bốc lên mùi cá nướng. Vị của biển tan trong không gian, len lỏi vào từng ngóc ngách của làng. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Quốc Dũng/TTXVN

Tháng mười một, đàn ông từ trai tráng đến những người đã trên bảy mươi tuổi đều đang mải miết theo tàu cá đánh bắt ở các vùng biển xa. Họ đi ít thì vài ba tuần, nhiều thì vài tháng thậm chí sáu tháng đến một năm mới về. Tất cả khi rời đất liền đều mong sóng yên biển lặng, không gặp bão bùng, không có gì bất thường ngoài khơi, thuyền về chở những mẻ cá đầy.

Làng trở nên vắng vẻ, hầu hết chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Sự vắng vẻ thường ngày đã trở thành quen thuộc, đến mức hiển nhiên. Cảm giác đó những năm sau này tôi cũng bắt gặp ở chính ngôi làng của mình, một ngôi làng của đồng quê Bắc Bộ. Khi mà, nhiều nông dân bỏ ruộng bởi cây lúa không mang lại thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Nhiều thanh niên trong làng, cả đàn ông và đàn bà trong độ tuổi lao động đã ra thành phố làm đủ thứ nghề để sinh sống, từ chạy xe ôm, bán hàng nước, làm giúp việc, cửu vạn, công nhân... Làng chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ. 

Nhưng cái vắng lặng bao trùm lên cả không gian đó vẫn không là gì so với sự vắng lặng trong ngôi nhà của một cô bé chín tuổi. Căn nhà cấp bốn thâm thấp, mái ngói đã ngả màu rêu, sân trát xi măng đã có chỗ bong tróc. Mé trái căn nhà, liếp cá khô dựng sát tường hứng ánh nắng chiều. Một khung cảnh thân quen của bất cứ nhà nào ở làng biển này. 

Cô bé chín tuổi nhưng nhỏ xíu, người mảnh khảnh, nước da rám nắng. Ông bà ngoại đi đánh cá dài ngày nên bé ở một mình, nhờ một người hàng xóm kế bên qua lại chăm nom. Cơm nước tự nấu, quần áo tự giặt. Cái giếng sau nhà, bé tự dùng gàu dây múc nước. Tự quét dọn nhà cửa, cái chổi còn to hơn cả người. Mẹ bé bị bạn bè rủ rê ra nước ngoài làm ăn sẽ có thu nhập cao nên trốn bố mẹ đi với hy vọng thoát nghèo để đổi đời. Vài năm không thấy về, cả nhà dò hỏi đi tìm mới biết con mình bị lừa bán. 

Tôi nhìn đứa bé mà không khỏi chạnh lòng, thương cảm. Tôi và đám bạn của mình cũng lớn lên từ làng, cũng đi bộ ba, bốn cây số tới trường. Bạn tôi, cũng chăn trâu cắt cỏ, lội ruộng cấy lúa, ngụp sông vớt rong về nấu cám lợn, cũng nấu cơm và quét nhà với cái chổi to hơn cả người, nhưng không vất vả như em bé này. Trong căn nhà vắng lặng, nhiều đêm ngủ một mình, thật quá sức với một đứa bé còn đang độ tuổi ăn học cần có người chăm sóc mỗi ngày. Tôi đã nghẹn lời khi nghe em bé nói: -Cháu chỉ mong ước được gặp mẹ, chỉ thế thôi cô ạ. 

Rời ngôi nhà và tạm biệt em khi làng biển nhập nhoạng tối, đèn nhà ai đã thắp lên và khói bếp bay lan. Mùa này biển lặng, gió cũng dịu dàng quá đỗi. Làng biển vào tối thật yên bình. Tôi thầm mong sao ước mơ của bé thành hiện thực. Một ước giản dị thôi, nhưng tôi biết, thật không hề dễ dàng.

Từ lần gặp đó, đến giờ đã trên trên mười lăm năm. Bằng ấy thời gian, tôi chưa có dịp trở lại vùng biển ấy. Không biết bây giờ em bé năm nào đã gặp được mẹ, đã lấy chồng và có những đứa con? Nhưng dù thế nào, tôi cũng luôn cầu chúc cho cô bé có một sống bình yên, tựa như con thuyền ra khơi vào mùa biển lặng, không có bão bùng, để mỗi chuyến tàu về, tôm cá đầy khoang. 

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Những đôi chân trần
Những đôi chân trần

Lũ trẻ vùng quê đi học đa phần là chân đất. Đường làng ngày mưa trơn trượt, có đứa quần áo, cặp sách lấm lem bùn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN