Hoa lan dạ hương, hoa mẫu đơn, hoa thanh cúc và hoa cẩm chướng không chỉ là những loài hoa tuyệt đẹp, có mùi thơm ngọt ngào; chúng còn là tên của một số hệ thống vũ khí nguy hiểm nhất của Nga. Theo Đài Sputnik (Nga) ngày 23/11, Nga mới đây đã thêm tên lửa siêu vượt âm Oreshnik (nghĩa đen là Hazel) vào danh sách.
Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tên lửa Oreshnik khiến các nhà quan sát phương Tây phải loay hoay giải mã ý nghĩa đằng sau cái tên của nó, được dịch là "cây phỉ" - một loài thực vật có hoa thuộc họ bạch dương.
Nhưng bất kỳ ai quen thuộc với thiết kế vũ khí của Nga đều biết rằng không có gì khiến các kỹ sư Nga thích thú hơn là đặt cho những sáng tạo đáng sợ của họ những cái tên nghe có vẻ vô hại hoặc tầm thường:
Chúng bao gồm đội hình pháo binh của Nga, như 2S1 Gvozdika (nghĩa đen là "Hoa cẩm chướng"), 2S3 Akatsiya (Hoa keo), 2S4 Tyulpan (Hoa tulip), 2S5 Giatsint (Hoa lan dạ hương), 2S7 Pion (Hoa mẫu đơn) - có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân và súng cối 2B9 Vasilek (Hoa thanh cúc).
Các hệ thống pháo phản lực nhiệt áp Buratino (Pinocchio) và Solntsepyok ("Nơi mặt trời chiếu sáng") cũng có những cái tên nghe có vẻ vô hại.
Các nhà sản xuất thiết bị chỉ huy, kiểm soát và hỗ trợ dường như cũng bị cuốn theo cái tên kỳ lạ này, khi hệ thống kiểm soát hỏa lực 1V152 có biệt danh là Kapustnik (tạm dịch là "Cabbage Patch" - Búp bê Cải bắp), trong khi tổ hợp định vị vô tuyến 1L219 được gọi là Zo'opark (Vườn thú), và radar RPMK-1 được gọi là Ulybka (Nụ cười).
Hệ thống phòng thủ bờ biển 3K60 được gọi là Bal (như trong bữa tiệc khiêu vũ trang trọng), trong khi hệ thống điều khiển tên lửa Kh-58U cũng được gọi là Phantasmagoria (Sân khấu kinh dị). Hệ thống liên lạc vệ tinh Vorchun theo nghĩa đen có nghĩa là "Grump" (người hay gắt gỏng) hoặc "Grumbler" (người hay càu nhàu).
Tương tự như vậy đối với nhiều loại vũ khí của Lục quân Nga, như hệ thống chống tăng 9M14 Malyutka ("Little One" - đứa trẻ), RPG-18 Mukha (Housefly - con ruồi), lựu pháo D-30A 122 mm (gọi là Lyagushka, hay "Frog" - con ếch), súng phóng lựu Gnome 40 mm: đạn cao su KS-23 Privet (Hello - Xin chào) và súng phóng lựu Obuvka (Shoe- chiếc giầy). Một loại đạn lựu khác, Podkidysh, theo nghĩa đen có nghĩa là "Trẻ mồ côi".
Máy bay cũng không phải là ngoại lệ, với trực thăng chiến đấu Mi-24 được gọi là Krokodil (Cá sấu) và Stakan (Cốc uống nước), trong khi máy bay phản lực huấn luyện MiG-15 được gọi là Babushka (Bà), máy bay phản lực CAS Su-25 được gọi là Grach (Quạ đen) và máy bay phản lực tấn công Su-27 được gọi là Zhuravlik (Sếu nhỏ).
Súng tự động 9A-4071 của Không quân Nga còn được biết đến với tên gọi Ballerinka (Nữ vũ công ba lê nhỏ) và hệ thống nhận dạng bạn hay thù Stuardessa (Tiếp viên). Trên biển, súng phóng lựu trên tàu MRG-1 còn được gọi là Ogonek (Ngọn lửa nhỏ) trong khi hệ thống tên lửa chống hạm SET-65 còn được gọi là Yenot (Gấu mèo).
Oreshnik là một trong những tên lửa của Nga được đặt tên thông thường, cùng với Tên lửa đạn đạo xuyê lục địa (ICBM) RT-23 Barguzin phóng từ tàu hỏa có tên gọi là Molodets (Good Sport) và tên lửa RSS-40 có tên gọi là Kuryer (Courier).
Những cái tên trên hoàn toàn trái ngược với những cái tên được đặt cho nhiều loại vũ khí mang tính uy quyền và có vẻ khoa trương hơn của NATO, khi truyền thống đặt tên vũ khí của Mỹ dường như nhằm mục đích gợi lên các đế chế cổ đại và những nhà chinh phạt vĩ đại, hoặc gieo rắc nỗi kinh hoàng vào trái tim và tâm trí kẻ thù.
Nguyên tắc trước đây áp dụng cho các loại vũ khí như máy bay A-10 Thunderbolt CAS, máy bay vận tải C-130 Hercules, máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer và hệ thống pháo binh M109 Paladin, gợi nhớ đến các truyền thuyết Hy Lạp cổ đại, kỵ binh thời trung cổ và các chiến binh hiệp sĩ Paladin vĩ đại của Vương triều Charlemagne. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho xe bọc thép Griffin của tập đoàn General Dynamics – ám chỉ đến loài sư tử lai đại bàng huyền thoại của Hy Lạp cổ đại.
Trực thăng tấn công AH-1Z Viper và AH-1 Super Cobra, F-22 Raptors, F-15 Strike Eagles và F/A-18 Hornet dường như có mục đích gây ra những vết thương mà rắn và chim săn mồi nguy hiểm có thể gây ra cho nạn nhân của chúng.
Bên cạnh đó còn có những cái tên khác có ý gợi lên cảm giác vinh quang và quyền lực, trong đó máy bay vận tải chiến lược Boeing C-17 Globemaster III, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-52 Stratofortress dường như đều hướng đến mục đích đó.
Nhiều tên vũ khí của Anh cũng có vẻ khoa trương không kém, từ tên lửa Land Ceptor và tên lửa đất đối không Starstreak đến loạt xe bọc thép Warrior, Bulldog, Mastiff, Wolfhound và Jackal, và hệ thống phòng không tầm trung Sky Sabre.
Đức cũng không thể đứng ngoài cuộc, với thói quen đặt tên cho xe bọc thép của họ theo tên những loài mèo lớn (Leopard, Puma) và các loài động vật ăn thịt khác (Marder, Wiesel), cố ý hoặc vô tình gợi cho những người đam mê lịch sử nhớ đến một số loại vũ khí đáng sợ nhất của Wehrmacht - lượng chiến đấu chính của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, được đánh giá là lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm này.