Phát biểu ngày 15/11, ông nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng quân đội (Mỹ) nên có mục tiêu chính là ngăn chặn các tàu thù địch bằng những hệ thống tên lửa đất đối biển”, đồng thời lưu ý rằng Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể có vai trò tương tự. Theo ông, PACOM muốn có khả năng đó ở Tây Thái Bình Dương để, nếu cần, có thể răn đe đối thủ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và những nơi khác.
Đô đốc Harris (trái). Ảnh: AFP |
Đô đốc Harry Harris cũng tuyên bố Washington sẽ duy trì cam kết đối với các đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ quân sự với các đối tác sẽ tiếp tục vững mạnh và rằng nhiều thập kỷ hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã chứng minh những cam kết của Washington không dừng ở lời nói.
Mặc dù bày tỏ quan ngại về những phát biểu gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Đô đốc Harris khẳng định các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines sẽ không bị ảnh hưởng. Ông nhấn mạnh hiện vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào từ phía Philippines dù Tổng thống Duterte từng tuyên bố sẵn sàng yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi các căn cứ của nước này.
Trước đó, Tướng David Perkins, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Học thuyết và Huấn luyện Lục quân Mỹ nói với các phóng viên trong tháng 10 rằng các hệ thống hỏa lực của quân đội như Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên biển.
Tuyên bố của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng gợi ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên chế tạo vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình mà không cần phụ thuộc vào Mỹ. Tỷ phú địa ốc cũng chỉ trích Nhật Bản không đóng góp tài chính đầy đủ để duy trì các lực lượng Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Đông Á này.