Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Davao ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài viết trên trang military.com, ông Joseph V.Micallef, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế và lịch sử quân sự, cho rằng sự chuyển hướng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sang Trung Quốc có thể là một nỗ lực nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với quan hệ thương mại Philippines-Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan), theo đó bác bỏ toàn bộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte, Bắc Kinh tuyên bố cho phép các ngư dân Philippines quay trở lại Bãi cạn Scarborough và lực lượng tuần tra bờ biển Philippines có thể khôi phục hoạt động tại đây. Thỏa thuận “miệng” này được cho là không ảnh hưởng tới vấn đề chủ quyền nhạy cảm giữa hai bên.
Ông Micallef cho rằng chiến lược của Bắc Kinh cũng phản ánh hiệu quả trong chính sách đối ngoại “mềm nắn rắn buông”, sẵn sàng đơn phương đánh chiếm và tiến hành xây dựng tại các khu vực tranh chấp, dùng ưu thế về quân sự để hăm dọa các nước láng giềng, và song song với đó là ve vãn các nước này bằng những khoản đầu tư và mời gọi gia nhập thị trường nội địa giàu tiềm năng.
Ông Micallef nhận định tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông xuất phát từ những thay đổi căn bản và nhanh chóng trong nền kinh tế nước này. Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động thương mại với các thị trường nước ngoài, các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc và cả các nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng.
Trung Quốc hiện là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu các khoáng sản như sắt, đồng, chì và kẽm. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển, và bởi vậy, “quyền lực trong các vấn đề hàng hải” vốn từng bị lơ là trong quá khứ, đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong các chiến lược phát triển của quốc gia này.