Hình ảnh chiếc AN-124 của hãng Antonov trên bầu trời Kiev. Ảnh: The war zone
Theo trang tin The War Zone, sự kiện này đã gây xôn xao dư luận, bởi kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào năm 2022, chỉ có máy bay quân sự, trực thăng cứu hộ và một số chuyến bay chính phủ mới được phép bay qua không phận thủ đô. Các đường băng tại Kiev cũng đã bị phong tỏa nhằm ngăn chặn các nỗ lực hạ cánh từ phía Nga. Từ đó đến nay, việc di chuyển quốc tế đến và đi khỏi Kiev chủ yếu được thực hiện bằng tàu hỏa.
Condor là một trong những máy bay vận tải lớn nhất thế giới, thường được Mỹ và nhiều quốc gia khác sử dụng để chở hàng tiếp tế quân sự, bao gồm cả vũ khí hỗ trợ Ukraine và các loại hàng hóa siêu trọng, cồng kềnh. Đây cũng là niềm tự hào của ngành hàng không Ukraine khi có khả năng sản xuất được dòng máy bay này.
Theo Antonov, chiếc Condor mang số hiệu đuôi UR-82073 đã cất cánh từ cơ sở sửa chữa tại Kiev đến trụ sở mới của công ty ở Leipzig (Đức) vào ngày 11/7. Đây là chuyến bay đầu tiên sau khi chiếc máy bay hoàn tất quá trình hiện đại hóa kéo dài bốn năm, bắt đầu trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Được chế tạo năm 1994, chiếc UR-82073 đã tích lũy hơn 21.000 giờ bay qua hơn 5.500 chuyến cho đến khi xung đột nổ ra. Mục tiêu của chương trình hiện đại hóa là thay thế các bộ phận chủ chốt do Nga sản xuất bằng linh kiện hiện đại hơn từ Ukraine và phương Tây. Antonov cho biết, vào thời điểm Nga tấn công, chiếc Condor này đang trong tình trạng tháo rời tại xưởng sửa chữa, nên đã may mắn thoát khỏi các cuộc không kích.
Trong cuộc tấn công vào sân bay Hostomel hồi tháng 2/2022, trụ sở của Antonov và chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 Mriya đã bị phá hủy. Tuy nhiên, UR-82073 được bảo quản tại cơ sở khác ở Kiev và không bị hư hại.
Xung đột đã khiến quá trình hiện đại hóa bị gián đoạn một thời gian, song cuối cùng công việc cũng đã được hoàn tất.
Chiếc AN-124-100 có khả năng chở tới 120.000 kg hàng hóa. Trong số bảy chiếc AN-124-100 của Antonov Airlines, hai chiếc đã được cải tiến để nâng công suất lên 150.000 kg. Các phiên bản nâng cấp này, được định danh là AN-124-100M, được trang bị hệ thống dẫn đường P-RNAV tiên tiến và tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế mới nhất về tiếng ồn cũng như điện tử hàng không do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ban hành. Điều này cho phép các máy bay hoạt động trên toàn cầu mà không gặp phải bất kỳ hạn chế nào.
Ngày 16/7, lãnh đạo công ty Antonov đã bày tỏ niềm tự hào với thành quả của mình.
“Việc đưa chiếc Condor trở lại bầu trời không chỉ là một thành tựu kỹ thuật, mà còn là biểu tượng của sự ổn định, tính chuyên nghiệp và tinh thần đoàn kết của ngành chế tạo máy bay Ukraine. Chiếc máy bay vận tải cải tiến này sẽ tiếp tục phục vụ đất nước trên các tuyến bay quốc tế,” Antonov tuyên bố.
Việc hoàn tất chương trình hiện đại hóa AN-124 được xem là một tia hy vọng sáng giữa thời điểm khó khăn của người dân Ukraine. Tuy nhiên, với tình hình chiến sự hiện nay, có lẽ phải mất một thời gian nữa người ta mới lại thấy bóng dáng một chiếc Condor bay trên bầu trời Kiev.