Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát cuộc tập trận của binh sĩ Ukraine cùng với các thiết bị quân sự, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot, tại một địa điểm ở Đức. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN
Theo các nghị sĩ và Bộ Tài chính Ukraine, bản sửa đổi ngân sách đã được thông qua trong lần đọc đầu tiên, nâng tổng chi tiêu quốc phòng trong ngân sách 2025 lên mức kỷ lục, từ 2.200 tỷ hryvnia (53,2 tỷ USD) lên thành 2.612 tỷ hryvnia (63 tỷ USD). Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội, bà Roksolana Pidlasa, nhấn mạnh khoảng 216 tỷ hryvnia (5,1 tỷ USD) sẽ được dùng để mua sắm và sản xuất thêm vũ khí.
Bộ Tài chính Ukraine nêu rõ: “Nhu cầu sửa đổi ngân sách nhà nước năm 2025 xuất phát từ việc phải trang bị thêm vũ khí, đạn dược và khí tài cho lực lượng quốc phòng”. Chính phủ có kế hoạch huy động thêm nguồn vốn thông qua phát hành nợ trong nước, đồng thời kỳ vọng tăng thu ngân sách, nhờ quyết định nâng nhiều loại thuế từ năm ngoái.
Cùng ngày, cựu Thủ tướng Denys Shmyhal thông báo Ukraine kỳ vọng nhận được 39 tỷ USD viện trợ quốc tế trong năm nay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Ông khẳng định tình hình tài chính hiện tại "an toàn", với đầy đủ nguồn lực chi trả xã hội và an ninh quốc phòng.
Cũng trong ngày 16/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố đề xuất phân bổ 116 tỷ USD cho Ukraine trong giai đoạn 2028 - 2034 nhằm hỗ trợ tái thiết và thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Hungary phản đối dự thảo ngân sách này, cho rằng việc phân bổ gần 25% quỹ EU cho Ukraine là "không thể chấp nhận được".
Sự chia rẽ trong nội bộ EU về mức độ hỗ trợ dành cho Ukraine là rõ ràng, trong đó một số quốc gia vẫn tiếp tục đẩy mạnh viện trợ quân sự. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết nước này đã viện trợ tổng cộng 4 tỷ euro (4,6 tỷ USD) vũ khí cho Ukraine qua 45 chuyến hàng và đang tiếp tục thúc đẩy các đợt hỗ trợ tiếp theo.
Về phía Đức, phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tờ Politico cho biết nước này đang tăng cường kho vũ khí của mình bằng cách mua vũ khí từ Mỹ, nhằm tái cung cấp cho Ukraine trong khuôn khổ hỗ trợ quân sự. Thủ tướng Friedrich Merz khẳng định Berlin sẽ đóng vai trò then chốt trong sáng kiến do Mỹ dẫn dắt. Trước đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cũng nhấn mạnh rằng Đức đã có những khoản đầu tư đáng kể cho kế hoạch này.
Ngược lại, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chính phủ Italy hiện đang tạm dừng các hợp đồng mua vũ khí mới của Mỹ dành cho Ukraine, với lý do cần cân đối ngân sách và tránh gây áp lực lên nợ công. Thay vào đó, Rome sẽ chuyển sang đóng góp hậu cần và tài chính thông qua NATO.
Cộng hòa Séc cũng đang lên kế hoạch gia hạn chương trình viện trợ nhân đạo và tái thiết cho Ukraine sau năm 2025, sau khi đã phân bổ phân bổ 500 triệu crown (23,6 triệu USD) trong giai đoạn 2023-2025.
Phát biểu sau một cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Tài chính Séc Zbyněk Stanjura khẳng định việc tiếp tục chương trình viện trợ cho Ukraine là một trong những ưu tiên của Chính phủ và sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo ngân sách cho năm tới. Ông Stanjura khẳng định việc này không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Séc, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Trong quý đầu năm 2025, chi tiêu quốc phòng của Ukraine đã chiếm hơn 73% tổng chi ngân sách quốc gia. Việc tăng cường ngân sách quốc phòng và thúc đẩy viện trợ quốc tế cho thấy Kiev đang nỗ lực duy trì năng lực chiến đấu và ổn định tài chính giữa lúc căng thẳng leo thang.