Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman ra tuyên bố cho biết Mỹ "phản đối Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống trên", đồng thời cảnh báo việc này "sẽ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ an ninh của chúng ta". Ông Hoffman nhấn mạnh: "Việc vận hành hệ thống S-400 không phù hợp với cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò một đồng minh của Mỹ và của NATO".
Trước đó, ông Erdogan đã xác nhận rằng ngày 16/10 vừa qua quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống S-400, mà Nga đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỹ hồi năm ngoái. Phát biểu với báo giới tại Istanbul, ông Erdogan khẳng định: "Chúng tôi sẽ không hỏi ý kiến của Mỹ", đồng thời nhấn mạnh rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề S-400 "không mang tính ràng buộc". Trước đó, Ankara đã luôn nhấn mạnh rằng S-400 sẽ được triển khai.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm S-400 bất chấp việc Mỹ liên tiếp cảnh báo trừng phạt nếu hệ thống này được kích hoạt. Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các trừng phạt theo Luật CAATSA năm 2017, đạo luật quy định trừng phạt mọi đơn hàng vũ khí "lớn" từ Nga. Trước đó, Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 vì mua hệ thống S-400 của Nga.
Ankara cáo buộc Washington không bán cho mình những khẩu đội phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, đồng thời khẳng định việc mua hệ thống của Nga là vì các nhu cầu an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc thử nghiệm S-400 được thực hiện vào thời điểm đặc biệt căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO như Mỹ, Pháp, và Đức, sau khi Ankara nối lại hoạt động thăm dò dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp với Hy Lạp trong tháng này.