Nga bảo lưu quyền "phản ứng tương xứng" nếu Bosnia và Herzegovina gia nhập NATO hoặc bất kỳ tổ chức nào thù địch với Moskva, Đại sứ Nga tại Sarajevo, ông Igor Kalabukhov, đã viết trong một bài đăng trên Facebook nhằm bác bỏ những quan niệm sai lầm về "các mối đe dọa của Nga đối với Bosnia".
Trong một văn bản dài được đăng hôm 7/2 nhằm đánh dấu “Ngày Ngoại giao” của Nga, Đại sứ Igor Kalabukhov nhấn mạnh rằng không ai có quyền can thiệp vào công việc (nội bộ) của Bosnia, “cả Nga, EU hay Mỹ”.
“Bosnia và Herzegovina được tự do thực hiện bất kỳ bước đi nào trên trường toàn cầu, tham gia bất kỳ tổ chức nào. Nếu đây là điều đại đa số người dân của họ mong muốn, có ích cho đất nước thì cứ làm, chúng tôi rất vui. Nhưng bạn phải hiểu rằng nếu bạn tham gia một khối có mục đích chính là hủy diệt nước Nga, thì chúng tôi có quyền tự vệ”, ông Kalabukhov nêu rõ.
Đại sứ Kalabukhov lưu ý rằng “miễn là họ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào chống lại Moskva, chúng tôi sẽ không cần phải tăng cường phòng thủ”. Ông tiếp tục: “Hãy thực tế: Nếu giả định là Brussels hoặc Washington ra lệnh triển khai tên lửa hạt nhân nhắm vào Moskva, thì Sarajevo trong trường hợp là một thành viên tương lai của các tổ chức dưới sự kiểm soát của họ, sẽ buộc phải làm điều đó” và cảnh báo: “Vì vậy, đó là một sự lựa chọn tự do, nhưng đừng giới hạn quyền phản ứng của chúng tôi".
Kết thúc với sự trấn an, vị đại sứ Nga trên kết luận: “Chừng nào chúng tôi còn chưa chắc chắn 100% về tính thực tế của những kế hoạch nhằm hủy diệt Nga, thì sẽ không ai 'nhấn nút đỏ'. Nói một cách nghiêm túc, tôi không nghĩ chúng ta nên thấy bất kỳ diễn biến cực đoan nào”.
Bosnia và Herzegovina gồm ba cộng đồng chính là người Bosnia, người Croatia và người Serbia và có hai “thực thể” dựa trên sắc tộc, cả hai đều có các chính phủ và tổng thống riêng của mình, cộng thêm Brcko, một quận tự trị. Một thực thể là Cộng hòa Srpska nơi người Serbia chiếm đa số, và thực thể còn lại là Liên bang (Federation), bao gồm đa số người Bosnia và Croatia.
Bosnia và Herzegovina từng tham gia vào Kế hoạch hành động để trở thành thành viên của NATO nhưng đạt được rất ít tiến bộ về tư cách thành viên của liên minh quân sự này. Hiện người Serbia ở Bosnia phản đối tư cách thành viên NATO và cũng từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Nga.