Châu Âu báo động về quân đội suy yếu và kho vũ khí cạn kiệt

Cắt giảm ngân sách và ngành vũ khí suy giảm đã ảnh hưởng đến các lực lượng vũ trang ở châu Âu, trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bộc lộ nhiều rủi ro của châu lục này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận năm 2023. Ảnh: NATO.int

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal (Mỹ) mới đây, quân đội Anh – đồng minh quân sự hàng đầu của Mỹ và là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Âu – chỉ có khoảng 150 xe tăng có thể triển khai và khoảng chục khẩu pháo tầm xa có thể sử dụng được. Kho dự trữ ít đến mức năm ngoái, quân đội Anh đã cân nhắc tìm nguồn cung nhiều bệ phóng tên lửa từ các bảo tàng để nâng cấp và viện trợ cho Ukraine, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ. 

Pháp, nước chi nhiều nhất tiếp theo, có chưa đầy 90 khẩu pháo hạng nặng, tương đương với số lượng mà Nga mất đi mỗi tháng trên chiến trường Ukraine. Đan Mạch không có pháo hạng nặng, tàu ngầm hay hệ thống phòng không. Quân đội Đức chỉ có đủ đạn dược cho hai ngày chiến đấu. 

Trong những thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dù quân đội suy yếu nhưng các chính phủ trên khắp phương Tây vẫn chấp nhận vì có sự can dự của Mỹ, nước có sức mạnh quân sự số 1 thế giới, giúp củng cố NATO và chính sách quốc phòng ở châu Âu. Năm ngoái, Mỹ đóng góp gần 70% chi tiêu quốc phòng của NATO. 

Nhưng báo động đã gia tăng khi Mỹ chuyển sang lập trường theo chủ nghĩa biệt lập hơn và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Phần lớn năng lực sản xuất vũ khí của châu Âu đã bị suy yếu sau nhiều năm cắt giảm ngân sách, và việc xoay chuyển tình thế này là một thách thức vào thời điểm hầu hết các chính phủ phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và dân số già hóa, cũng như sự phản đối chính trị lớn đối với việc cắt giảm chi tiêu phúc lợi để đầu tư cho quốc phòng.

Anthony King, Giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Warwick, cho biết châu Âu đã “phi quân sự hóa một cách có hệ thống vì không cần phải chi tiền” do không có mối đe dọa rõ ràng và do sự thống trị của quân đội Mỹ trên toàn cầu.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề của châu Âu. Theo Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO, mặc dù sức mạnh kinh tế và công nghiệp tổng hợp của các nước NATO lớn hơn Nga, nhưng Liên minh quân sự này đang "tự tụt hậu”. 

Viện trợ cho Ukraine

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: WSJ

Các quốc gia châu Âu đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev nhưng cho biết họ phải đối mặt với những hạn chế về kinh tế và giới hạn sản xuất vũ khí. Nếu Mỹ rút lại phần lớn viện trợ, châu Âu sẽ không có kho dự trữ, đồng thời họ cũng không thể tiếp tế cho Ukraine và xây dựng lại lực lượng của mình. Chủ tịch ủy ban quân sự của NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết trong năm nay rằng châu Âu giờ đây có thể “nhìn thấy đáy thùng” về những gì họ có thể cung cấp cho Ukraine.

EU cũng dường như khó có thể thực hiện được cam kết cung cấp một triệu quả đạn pháo đang rất cần thiết cho Ukraine vào mùa xuân sắp tới và cho đến nay chỉ đạt được khoảng một phần ba số đó. 

Các quan chức Ukraine đã nói rằng nếu viện trợ cạn kiệt hoàn toàn, họ sẽ không thể tiếp tục chiến dịch quân sự vốn đang gặp khó khăn để giành lại các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát và có thể không thể kìm chân các lực lượng Nga được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực cùng vật lực dồi dào.

Theo dữ liệu của NATO, chi tiêu quân sự giữa các nước thành viên giảm từ khoảng 3% GDP hàng năm trong Chiến tranh Lạnh xuống còn khoảng 1,3% vào năm 2014. Mọi thứ bắt đầu thay đổi sau cuộc xung đột ở Ukraine năm 2014, nhưng chỉ từng bước. Theo Nghị viện châu Âu, trong thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng của EU đã tăng 20%. Để so sánh, trong cùng thời gian đó, Nga và Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lần lượt gần 300% và gần 600%.

Eva Högl, ủy viên quốc hội về lực lượng vũ trang Đức, cho biết khi trình bày báo cáo của mình hồi đầu năm nay: “Các lực lượng vũ trang Đức đang thiếu mọi thứ”. Bà nói, các căn cứ quân sự của Đức không chỉ thiếu vũ khí và đạn dược mà còn thiếu nhà vệ sinh và Internet. 

Với Hà Lan, nước này đã giải tán đơn vị xe tăng cuối cùng vào năm 2011. Trong khi đó, chế độ nhập ngũ ở hầu hết các nước châu Âu đã bị bãi bỏ sau Chiến tranh Lạnh.  

Ngày nay, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều được xếp hạng là những cường quốc quân sự mạnh hơn Anh, quốc gia có quân đội được đánh giá cao nhất ở châu Âu, trong khi Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản được xếp trên Pháp, cường quốc châu Âu được đánh giá cao thứ hai.

Tóm lại, đối với các chính trị gia châu Âu, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng là một nỗ lực chính trị khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm tăng trưởng kinh tế trì trệ, chi phí vay của chính phủ tăng cao và dân số già sẽ gây căng thẳng cho ngân sách chính phủ trong nhiều năm tới. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Châu Âu không có kế hoạch thu hồi xe điện Tesla
Châu Âu không có kế hoạch thu hồi xe điện Tesla

Ngày 15/12, Cơ quan Quản lý Phương tiện Hà Lan (RDW) cho biết hiện không có kế hoạch thu hồi các mẫu xe điện do hãng Tesla (Mỹ) bán ở thị trường châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN