Và gần đây, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố đoạn video về cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí laser năng lượng định hướng (LDEW) có tên DragonFire. Bộ Quốc phòng Anh cho biết video được ghi hình trong cuộc thử nghiệm thành công DragonFire tấn công mục tiêu trên không, diễn ra hồi tháng 1 tại Scotland.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 14/3 đưa tin vũ khí laser này có tiềm năng giúp quân đội Anh tiết kiệm hàng chục triệu USD so với các hệ thống đánh chặn tên lửa đang đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không tương tự.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết DragonFire có thể tấn công chính xác các mục tiêu nhỏ như đồng xu ở tầm xa. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra thông tin cụ thể về khoảng cách. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapp vào tháng 1, sau vụ thử nghiệm DragonFire đã đánh giá: “Loại vũ khí tiên tiến này có khả năng cách mạng hóa không gian chiến đấu bằng cách giảm phụ thuộc vào đạn dược đắt đỏ”.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chùm tia laser có thể xuyên qua kim loại dẫn đến hư hỏng cấu trúc hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn nếu nhắm mục tiêu vào đầu đạn tên lửa. Cơ quan này khẳng định có thể tiêu diệt các mục tiêu với chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tên lửa phòng không.
Bộ Quốc phòng Anh ước tính chi phí cho mỗi lần phóng một chùm tia laser 10 giây vào khoảng 13 USD (321.000 đồng). Trong khi đó, tên lửa đất đối không Standard Missile-2 (SM-2) Hải quân Mỹ sử dụng trong phòng không tốn đến 2 triệu USD mỗi lần phóng.
Bộ Quốc phòng Anh vào tháng 1 kết luận vũ khí này có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế chi phí thấp và lâu dài cho một số nhiệm vụ nhất định mà tên lửa đang đảm nhiệm.
Chi phí của tên lửa phòng không đã trở thành chủ đề nóng trong giới quân sự toàn cầu trong những năm gần đây khi máy bay không người lái giá rẻ thể hiện hiệu quả trong tấn công. Các nhà phân tích băn khoăn liệu Anh, Mỹ và các đối tác có thể tiếp tục sử dụng tên lửa trị giá hàng triệu USD để chống lại máy bay không người lái của lực lượng Houthi với một số trường hợp có giá dưới 100.000 USD.
Ông James Black, tại viện nghiên cứu RAND Europe trụ sở ở Anh, trong tháng 1 cho biết: “Máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ đã làm thay đổi tính toán về tấn công và phòng thủ theo hướng có lợi cho những bên sử dụng số lượng lớn hệ thống không người lái và đạn dược giá rẻ để áp đảo các hệ thống phòng không và tên lửa phức tạp hơn”.
Tuy nhiên, ông Black và những người khác lưu ý rằng các loại vũ khí laser như DragonFire vẫn chưa được “thử lửa” trên chiến trường và sẽ có hạn chế.
Giám đốc Trung tâm Sáng kiến An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado (Mỹ) – ông Iain Boyd đã viết bình luận trên tờ The Conversation đề cập đến một số vấn đề với vũ khí laser. Theo ông, mưa, sương mù và khói làm tán sắc chùm tia laser dẫn đến giảm hiệu quả. Bên cạnh đó, vũ khí laser tỏa nhiều nhiệt nên cần hệ thống làm mát lớn. Vũ khí laser di động, gắn trên chiến hạm hoặc máy bay cần sạc lại pin. Ông Boyd còn nói rằng các tia laser phải mất 10 giây “khóa chặt” vào mục tiêu đang di chuyển để xuyên thủng chúng.
Anh không phải là quốc gia đầu tiên phát triển vũ khí laser có thể bắn hạ mục tiêu trên không. Năm 2014, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm và triển khai thành công hệ thống vũ khí laser trên tàu vận tải USS Ponce ở Vịnh Ba Tư. Hệ thống này có khả năng tấn công máy bay không người lái, phi cơ nhỏ và thuyền nhỏ.
Vào năm 2020 và 2021, Hải quân Mỹ thử nghiệm hệ thống laser tiên tiến hơn trên tàu tuần dương USS Portland. Đến năm 2022, hệ thống laser được lắp đặt trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble song đến nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Trong báo cáo năm 2023, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) ghi nhận thành công của Lầu Năm Góc thử nghiệm vũ khí laser, nhưng đánh giá còn nhiều việc Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải làm để phiên chế chúng, bao gồm cả việc tìm ra nhiệm vụ chính xác và chiến lược mua vũ khí.