Ảnh vệ tinh tiết lộ tình trạng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên

Gần hai năm sau khi ra mắt, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên – tàu Anh hùng Kim Kun Ok (Hero Kim Kun Ok) mang số hiệu 841, vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok của Triều Tiên neo đậu tại nhà máy đóng tàu Sinpo South, ngày 30/5/2025. Ảnh: beyondparallel.csis.org

Kênh thông tin United24media cho biết ảnh vệ tinh từ tháng 5/2025 xác nhận rằng tàu Anh hùng Kim Kun Ok vẫn đang neo đậu dưới mái che an ninh tại nhà máy đóng tàu Sinpo South, không có bất kỳ dấu hiệu triển khai nào.

Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của tổ chức Beyond Parallel và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tàu ngầm này chưa từng rời bến để thực hiện bất kỳ chuyến đi biển kéo dài nào kể từ khi được giới thiệu vào tháng 9/2023.

Buổi giới thiệu tàu Anh hùng Kim Kun Ok có sự tham dự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đã gọi đây là “một loại tàu ngầm hạt nhân chiến thuật tiêu chuẩn” và là thành phần then chốt trong bộ ba hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên.

Dư luận tin rằng tàu Anh hùng Kim Kun Ok được hoán cải từ một tàu ngầm tấn công Type 003 thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo sử dụng động cơ diesel-điện (SSB). Tàu Anh hùng Kim Kun Ok được trang bị 10 ống phóng thẳng đứng, có khả năng khai hỏa cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình.

Cấu hình này phù hợp với tuyên bố của Triều Tiên về việc phát triển một nền tảng phóng vũ khí hạt nhân từ trên biển.

Sau khi được hạ thủy, tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok đã trải qua khoảng một năm lắp đặt thiết bị trong một ụ khô có mái che tại nhà máy đóng tàu Sinpo South.

Đến tháng 12/2024, tàu được chuyển tới khu vực neo đậu an toàn tại nhà máy đóng tàu Sinpo South, thay thế vị trí của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thử nghiệm 8.24 Yongung (Anh hùng 24/8). Kể từ đó, chỉ có rất ít hoạt động được ghi nhận tại khu vực này.

Tính đến ngày 30/5/2025, tàu Anh hùng Kim Kun Ok vẫn ở dưới mái che, với phần tháp chỉ huy (conning tower) lộ ra một phần. Một vật thể không xác định đã nằm bên cạnh tàu ngầm trong khoảng năm tháng.

Các nhà phân tích cho biết không có dấu hiệu hoạt động gần đây nào trong khu vực, cũng không có tàu hỗ trợ hoặc cơ sở hạ tầng nào được sử dụng.

Mặc dù các tuyên bố chính thức coi tàu Anh hùng Kim Kun Ok là một tài sản răn đe chiến lược quan trọng, nhưng việc chưa thể vận hành cho thấy tàu vẫn gặp phải các vấn đề chưa được giải quyết.

Nếu quá trình hoán cải thành công, các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên có thể bắt đầu trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Tuy nhiên, để đạt được khả năng hoạt động thực sự ngoài khơi sâu (blue-water capability), sẽ mất thêm nhiều năm nữa.

Tàu Anh hùng Kim Kun Ok cũng có thể được sử dụng làm nền tảng thử nghiệm cho các công nghệ tương lai, bao gồm hệ thống tên lửa hoặc có thể cả đơn vị đẩy hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng công khai bày tỏ tham vọng hiện đại hóa hải quân bằng cách chuyển đổi các tàu ngầm cỡ trung bình thành tàu tấn công, cũng như phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, ảnh vệ tinh cũng cho thấy tàu ngầm 8.24 Yongung đang neo đậu gần đó, với ba vật thể không xác định nằm trên boong. Một trong số này có hình trụ, có thể liên quan đến hoạt động bảo dưỡng hoặc là nguyên mẫu sơ khởi của khoang khô (dry deck shelter) hoặc buồng cứu hộ.

Triều Tiên đã không còn khả năng cứu hộ tàu ngầm chuyên dụng kể từ khi loại biên chiếc tàu cứu hộ duy nhất thuộc lớp Kowan.

Mặc dù thời điểm vận hành chính thức của tàu Anh hùng Kim Kun Ok vẫn chưa rõ ràng, nhưng Triều Tiên có thể sẽ thực hiện một vụ phóng tên lửa từ dưới nước mang tính biểu tượng trước khi năm 2025 kết thúc.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu khu trục của Triều Tiên trước khi xảy ra sự cố hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Chongjin ở tỉnh Bắc Hamgyong, ngày 18/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trước đó vào đầu tháng 5/2025, một tàu khu trục mới được hạ thủy của Triều Tiên đã gặp sự cố nghiêm trọng tại nhà máy đóng tàu Hambuk ở Chongjin, khi phần đuôi tàu trượt xuống nước còn phần mũi vẫn kẹt lại trên đất liền, khiến tàu bị lật nghiêng.

Ảnh vệ tinh ghi lại cảnh con tàu nằm nghiêng một bên, được che phủ bởi bạt xanh, và hầu như không có hoạt động sửa chữa nào rõ ràng.

Dù cấu trúc đã hoàn thiện, chiếc tàu chiến này chưa từng ra khơi và sau đó được chuyển tới Rajin – một cảng gần biên giới với Liên bang Nga – làm dấy lên đồn đoán về khả năng Moskva (Moscow) đang âm thầm hỗ trợ công tác khắc phục của Triều Tiên.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Triều Tiên tuyên bố đóng thêm tàu khu trục 5.000 tấn
Triều Tiên tuyên bố đóng thêm tàu khu trục 5.000 tấn

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/7, Triều Tiên có kế hoạch đóng thêm một tàu khu trục 5.000 tấn vào tháng 10 năm sau, sau khi hạ thủy 2 tàu quân sự như vậy vào đầu năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN