Theo các quan chức châu Âu, Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội địa Thierry Breton sẽ trình bày các đề xuất cụ thể với các quốc gia thành viên để cùng mua từ các công ty vũ khí châu Âu và tăng năng lực sản xuất của các công ty này.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lục địa già đang lo ngại Mỹ có thể không còn là đối tác đáng tin cậy đối với an ninh châu Âu và với việc ủng hộ Ukraine trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Ủy viên Breton đánh giá: “Chúng ta cần thay đổi mô hình và chuyển sang chế độ kinh tế chiến tranh. Điều này cũng có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính mình, bất kể kết quả cuộc bầu cử 4 năm một lần của đồng minh Mỹ ra sao”.
Trước đó, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã khiến các nhà lãnh đạo EU tức giận khi tuyên bố ông sẽ khuyến khích Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" nếu các thành viên NATO không đạt mốc chi tiêu quốc phòng 2%.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi những phát ngôn của ông Trump là nguy hiểm và không theo quan điểm của Mỹ thì những bình luận đó đã thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các quan chức châu Âu về sự cấp thiết nâng cao tính tự lực trong các vấn đề an ninh.
Hiệu suất hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, đặc biệt là trong việc hỗ trợ Ukraine, không được như kỳ vọng sau khi EU đã thất hứa không cung cấp đủ 1 triệu quả đạn pháo cho quốc gia này trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024. Sau khi chỉ cung cấp khoảng một nửa số đạn đã hứa, Brussels đã lùi thời hạn sang cuối năm nay.
Theo tờ Kyiv Independent, một trong những đề xuất của Ủy viên Breton bao gồm việc buộc các công ty vũ khí châu Âu ưu tiên các đơn đặt hàng châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng hoặc thiết lập một phiên bản châu Âu của chương trình Bán Vũ khí Nước ngoài như Mỹ. Chương trình này giúp các chính phủ khác mua vũ khí từ các công ty quốc phòng Mỹ.
Ủy viên Breton cũng được cho là sẽ đề xuất gói tài chính trị giá 1,5 tỷ euro đến cuối năm 2027. Vào tháng 1, ông Breton đã đề xuất một quỹ trị giá 100 tỷ euro để thúc đẩy sản xuất quốc phòng châu Âu.
Các quan chức EU nói với hãng tin nước ngoài rằng họ muốn đưa Ukraine vào kế hoạch mua sắm để cùng hỗ trợ năng lực sản xuất. Một quan chức giấu tên tiết lộ: “Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây là coi Ukraine gần như tương đương với một quốc gia thành viên”.
Các đề xuất sẽ phải được tất cả 27 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua.