Tàu ngầm Knyaz Pozharsky trong lễ biên chế, với thủy thủ đoàn trên boong và tàu hỗ trợ Nikolay Orlov neo bên cạnh. Ảnh: paluba.media
Kênh thông tin United24media chiều 26/7 cho biết buổi lễ thượng cờ diễn ra vào ngày 24/7/2025, có sự tham dự của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, đánh dấu việc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Knyaz Pozharsky đi vào hoạt động và thể hiện cam kết liên tục của Moskva (Moscow) trong việc đầu tư vào các tài sản chiến lược của Hải quân.
Theo chuyên trang quân sự Army Recognition ngày 25/7, Knyaz Pozharsky là chiếc tàu ngầm thứ bảy trong loạt tàu Borei và thuộc lớp Borei-A cải tiến. Tàu được trang bị các công nghệ tàng hình nâng cao, cải thiện khả năng sống sót và có sức chứa tên lửa lớn hơn, là thành phần then chốt trong lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Liên bang Nga.
Lớp Borei-A là phiên bản hiện đại hóa của thiết kế Borei ban đầu, với thân tàu được tối ưu hóa về thủy động lực học, tích hợp các hệ thống sonar tiên tiến, trang bị động cơ yên tĩnh hơn.
Mỗi tàu ngầm lớp Borei-A mang theo 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm RSM-56 Bulava, mỗi tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng độc lập (MIRV).
Ngoài các vũ khí chiến lược, tàu ngầm lớp Borei-A còn được trang bị ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống ngầm RPK-2 Viyuga, và hệ thống REPS-324 Shlagbaum dùng để phóng phương tiện chống ngư lôi.
Dự kiến, tàu Knyaz Pozharsky sẽ phục vụ trong Hạm đội phương Bắc của Hải quân Liên bang Nga, hoạt động chủ yếu ở Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương, phù hợp với chiến lược hàng hải của Liên bang Nga.
Trong sự kiện biên chế tàu Knyaz Pozharsky, Tổng thống Putin cũng công bố kế hoạch triển khai thêm 6 tàu ngầm hạt nhân nữa trước năm 2030. Các tàu này sẽ được trang bị hệ thống Poseidon – phương tiện không người lái dưới nước chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Xem video lễ thượng cờ đánh dấu việc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Knyaz Pozharsky đi vào hoạt động. Nguồn: Sputnik
Lần đầu tiên được tiết lộ vào năm 2015 và được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định danh là Status-6, Poseidon được thiết kế để phục vụ mục đích răn đe chiến lược với tầm hoạt động lên tới 10.000 km và tốc độ tối đa khoảng 100 hải lý/giờ. Hệ thống này có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 1.000 mét và được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân mini.
Đầu đạn của Poseidon được ước tính có sức công phá tương đương vài megaton, một số nguồn thậm chí cho rằng có thể lên tới 100 megaton.
Trợ lý Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng Hàng hải Liên bang Nga, ông Nikolai Patrushev, xác nhận rằng một kế hoạch phát triển hải quân dài hạn giai đoạn 2025–2050 đang được xây dựng và sẽ trình lên Putin phê duyệt vào tháng 9. Chiến lược này sẽ ưu tiên khả năng sống sót sau đòn tấn công thứ nhất, răn đe chiến lược và các năng lực dưới nước tiên tiến.
Tính đến giữa năm 2025, Hải quân Liên bang Nga đang vận hành 79 tàu ngầm, trong đó có 54 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (8 chiếc lớp Borei và 6 chiếc lớp Delta) cùng với 13 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình và 16 tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Lực lượng này cũng bao gồm 10 tàu ngầm nhiệm vụ đặc biệt và 1 tàu ngầm phục vụ mục đích đặc biệt. Lực lượng thông thường gồm 25 tàu ngầm diesel-điện, bao gồm các lớp Kilo, Kilo cải tiến và Lada.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ vận hành 71 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio và khoảng 53 tàu ngầm tấn công nhanh.
Các tàu ngầm chiến lược của Mỹ mang theo tên lửa Trident II D5 và duy trì số lượng đầu đạn hạt nhân triển khai lớn hơn so với Liên bang Nga, với khoảng 4.032 đầu đạn phóng từ tàu ngầm, so với con số 1.648 của Liên bang Nga.
Trước đó, vào ngày 2/7, Hải quân Hoàng gia Anh đã theo dõi tàu ngầm lớp Kilo Novorossiysk của Liên bang Nga khi nó nổi lên mặt nước và di chuyển qua biển Bắc và eo biển Manche, được tàu kéo Yakov Grebelski hộ tống.
Động thái này, được giám sát bởi tàu HMS Mersey và trực thăng của Hải quân Hoàng gia Anh, được xem là màn phô diễn sức mạnh có chủ đích gần cơ sở hạ tầng hàng hải của NATO.