Xóa 100 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật

Hiện cả nước có khoảng 100 điểm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra. Theo chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, đến năm 2015 các điểm ô nhiễm này sẽ được xử lý xong.

 

Khó khăn trong thu gom và tiêu hủy


Tại hội thảo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tổ chức sáng qua (25/1) tại Hà Nội, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là khắc phục các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, các loại thuốc tồn lưu hóa chất BVTV bao gồm nhiều chủng loại và ở nhiều dạng khác nhau, từ dạng nước, dạng bột, dạng lẫn đất tập trung tại các kho chứa của một số bệnh viện cũ, các hợp tác xã nông nghiệp, các trạm BVTV. “Lượng hóa chất BVTV tồn lưu đã quá hạn sử dụng hoặc nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng cần tiêu hủy ở Hà Tĩnh hiện còn khá lớn đã làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân”, ông Mạnh nói.


Theo kết quả điều tra toàn tỉnh, Hà Tĩnh hiện có 31 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, trong đó có một số điểm ô nhiễm nặng cần ưu tiên xử lí sớm như tại khuôn viên trường tiểu học Khánh Lộc (huyện Can Lộc), xóm 4 xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang), thị trấn Kì Anh… Ngoài ra còn có 20 điểm ô nhiễm chưa được đưa vào danh mục đầu tư xử lí theo Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo ông Mạnh, việc xử lí các điểm ô nhiễm này gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chọn lựa công nghệ xử lí sao cho phù hợp với từng loại hóa chất. Mặt khác, hóa chất BVTV tồn lưu đều phân tán trong địa bàn khu dân cư, thậm chí ngay trong trường học, nhà văn hóa thôn, vì vậy rất khó để thu gom, vận chuyển. Việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dời dân… để có điều kiện xử lí các điểm ô nhiễm cũng rất khó khăn.


Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ những khó khăn trong khâu tiêu hủy hóa chất BVTV tồn lưu. “Thuốc BVTV đòi hỏi một quy trình tiêu hủy rất khắt khe để đảm bảo thuốc ấy sau khi được tiêu hủy thì không còn tác hại với môi trường. Trong khi đó, hiện nay, Bộ TNMT chưa đưa ra một quy trình tiêu hủy cụ thể để hướng dẫn cho các địa phương”, ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn cho biết.


Hiện nay Lạng Sơn đã khảo sát, quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm của các nền kho cũ, xử lí được 2 nền kho trong tổng số 5 nền kho ô nhiễm nặng nề nhất. Điểm ô nhiễm nhất tại tỉnh này là nền kho của nhà máy sản xuất hóa chất Vĩnh Thịnh, hiện đã giải quyết xong đợt 1, đang được kiểm tra lại, nếu chưa đạt yêu cầu thì sẽ xử lí tiếp.

 

Tháo gỡ các vướng mắc


Theo ThS. Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lí chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), hiện nay, kinh phí thực hiện dự án cải thiện và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu theo Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là 1.010 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 510 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 500 tỉ đồng.


Tuy nhiên, sau một năm dự án được triển khai, Bộ TNMT vẫn chưa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc quản lí, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, nhiều địa phương chưa bố trí vốn đúng với mục tiêu và nội dung của dự án như đã được phê duyệt. Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lí chất thải và Cải thiện môi trường đề xuất sớm thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình ở cấp Trung ương để theo sát tiến độ triển khai thực hiện dự án. Thực tế, tiến độ triển khai dự án hiện đang chậm so với hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí đã được phê duyệt.


Theo một kết quả điều tra của Bộ TNMT, hiện cả nước đã phát hiện trên 1.100 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại 38 tỉnh, thành trên cả nước.

Đại diện các địa phương đề xuất Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Khoa học - Công nghệ sớm có hướng dẫn giúp địa phương lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lí tiêu hủy hóa chất BVTV tồn lưu và khắc phục đất bị ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, cần nâng mức đầu tư từ ngân sách TƯ để xử lí các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quy định, kinh phí cho xử lí bao gồm 50% từ ngân sách Trung ương, 50% từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với những tỉnh thu ngân sách không đủ chi thì cần nâng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để giúp các tỉnh triển khai xóa điểm ô nhiễm theo đúng tiến độ đề ra.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN