Theo đài Sputnik (Nga), hôm 2/1 thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel ở phía nNm thủ đô Beirut của Liban. Nhiều chuyên gia lo ngại vụ ám sát này sẽ làm leo thang xung đột ở Gaza.
Trang tin Axios cho biết Israel vẫn chưa công khai nhận trách nhiệm về vụ ám sát có chủ đích này. Tuy nhiên, một quan chức Israel và hai quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận rằng Tel Aviv đứng đằng sau vụ ám sát này. Giới quan sát cho rằng nếu Tel Aviv đứng ra nhận trách nhiệm, đây sẽ là vụ ám sát đầu tiên của các lực lượng Israel nhằm vào giới lãnh đạo Hamas ở nước ngoài sau nhiều tháng đe dọa.
Tiến sĩ Imad Salamey, Phó Giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Mỹ Liban, nói với Sputnik: “Rõ ràng, Israel đang leo thang xung đột trong nỗ lực chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi các cuộc khủng hoảng trong nước. Vụ ám sát này là hành động tuyệt vọng nhằm tuyên bố có được một số chiến thắng quân sự”.
Ông nói thêm rằng vụ ám sát ông al-Arouri ở Beirut đã chuyển mô hình của cuộc xung đột sang tiêu diệt mục tiêu, rất có thể mở rộng các cuộc tập kích của Israel vào các mục tiêu ở Syria sang các mục tiêu ở Liban.
Giới chuyên gia nhận định việc tiêu diệt có chủ đích thủ lĩnh của các phong trào bị Israel coi là tổ chức khủng bố là hoạt động kéo dài hàng thập kỷ của Tel Aviv. Theo chiến lược này, Israel sẽ tiêu diệt những cá nhân mà họ tin là có liên quan đến nỗ lực lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động chống Israel nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo và giảm thiểu thiệt hại.
Tạp chí Phố Wall ngày 1/12 đưa tin cơ quan tình báo Israel đang chuẩn bị tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas trên khắp thế giới khi cuộc chiến ở Gaza của Tel Aviv kết thúc.
Vài ngày sau, ông Yossi Melman - nhà báo điều tra người Israel - đã lập luận trên tờ Haaretz rằng 50 năm Israel ám sát các thủ lĩnh Hamas và Hezbollah chứng minh rằng đây không phải giải pháp.
Phần đầu của bài báo cho biết: “Việc tiêu diệt có chủ đích các thủ lĩnh khủng bố đã không làm suy yếu các nhóm này, mà chỉ cho thấy cơ quan an ninh của Israel đang mắc phải tư duy tập thể”.
Trong khi đó, hôm 3/1, Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) David Barnea tuyên bố cơ quan này sẽ truy lùng mọi thành viên Hamas liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10 nhằm vào Israel, bất kể họ ở đâu.
“Mossad, hôm nay cũng như 50 năm trước, cam kết tiêu diệt những kẻ đã đột kích vào Dải Gaza vào ngày 7/10, cùng những người lập kế hoạch và đặc phái viên của họ”, ông Barnea cảnh báo và nói thêm rằng những người Arab trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào vụ tấn công ngày 7/10 cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo truyền thông, Israel dường như đã chọn lựa mục tiêu cẩn thận – một trong những thủ lĩnh cấp cao nhất của Hamas. Ông Al-Arouri, 57 tuổi, là phó giám đốc văn phòng chính trị của Hamas cũng là người sáng lập cánh quân sự của tổ chức này, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Theo New York Times, ông al-Arouri bị cáo buộc là chủ mưu các cuộc tấn công vào Israel và là sợi dây liên hệ chặt chẽ giữa Hamas và Hezbollah, lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite ở Liban.
Sau khi được bầu làm phó giám đốc văn phòng chính trị của Hamas vào năm 2017, ông al-Arouri đã tới Tehran để tăng cường quan hệ với Iran. Trong những năm gần đây, ông đã dành nhiều thời gian ở Beirut, làm đại sứ Hamas tại Hezbollah.
Trước đó, ông al-Arouri bị cáo buộc âm mưu bắt cóc thanh thiếu niên Israel cũng như lật đổ Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Năm 2015, ông cũng lọt vào tầm ngắm của Mỹ khi Bộ Ngoại giao nước này chỉ định ông là “kẻ khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt” và treo giải thưởng lên tới 5 triệu USD cho thông tin về nơi ở của ông.
Tuy nhiên, sau khi al-Arouri bị ám sát, một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng chính quyền Washington đã lên án động thái của Israel. Theo trang tin Walla, Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không thông báo trước cho Chính quyền Tổng thống Biden về vụ tấn công ở Beirut khiến phó giám đốc văn phòng chính trị của Hamas thiệt mạng.
“Washington chỉ trích các cuộc phiêu lưu quân sự của Israel vì sợ rằng cuộc xung đột này sẽ trở thành cuộc chiến toàn khu vực mà Mỹ trực tiếp can dự. Căn cứ của Mỹ ở Syria và Iraq cũng có thể trở thành mục tiêu. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ sẽ do dự trong việc phản đối hành động của Israel khi cuộc bầu cử đang đến gần và các chính trị gia đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Israel”, ông Salamey nói.
Vị chuyên gia này cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel vì Tel Aviv ngày càng gặp khó khăn trong việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Iran trong khu vực, cả về mặt chính trị hoặc kinh tế.
Hôm 3/1, ít nhất 103 người đã thiệt mạng ở Iran trong vụ nổ lớn khi đám đông tham dự lễ tưởng niệm chỉ huy hàng đầu Iran Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi năm 2020 tại thành phố Kerman ở miền Nam. Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Bình luận về những diễn biến gần đây, ông Salamey không loại trừ khả năng xung đột ở Gaza có thể mở rộng và lan sang Liban và các khu vực khác với cường độ cao hơn.
“Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cả hai bên xung đột đều coi cái giá phải trả của một cuộc đối đầu công khai là lớn hơn nhiều so với bất kỳ chiến thắng chính trị nào có thể đạt được”, ông Salamey kết luận.